Câu chuyện trên lọt thỏm giữa mùa ươi với con số người không thể thống kê, cùng kéo nhau vào rừng khai thác ươi từ Quảng Ngãi đến Quảng Nam. Người dân bảo đó là lộc rừng. Giá ươi bán ra thị trường từ 40.000 - 50.000đ/kg quả tươi, 300.000đ/kg ươi khô. Thương lái đổ về mua xuất đi Trung Quốc (TQ). Dân tứ xứ kéo đến. “Sẽ không có gì đáng bàn nếu như họ khai thác ươi bay” - ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nói. Ươi bay là quả già chín rụng, người khai thác chỉ có việc nhặt. Đó cũng là tập quán khai thác ươi của đồng bào thiểu số. Cũng “sẽ không có gì” nếu như họ - thương lái - không thu mua theo kiểu tận diệt. Xanh đỏ non già, mua tất. Thế mới có chuyện chặt phá cây để lấy quả, bởi cây ươi rất cao. Chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây ươi là từ 15-20 năm mới ra quả. Đã xảy ra nhiều vụ chết người khi thu hoạch ươi. Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) thống kê từ tháng 5-7/2014, có ba người chết, năm người bị thương. Huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi có ba người bị thương.
Lương y Kiều Viết Thiện, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam cho biết, ươi, tên gọi trong Đông y là bàng đại hải, tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, thông tiện; thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt hoặc pha chế nước giải khát. Đây là loại dược liệu quý.
Cùng thời điểm này, phía Bắc lại diễn ra tình trạng săn lùng cây lan kim tuyến, cũng để bán cho thương lái TQ. Theo tài liệu của Đài Loan thì cây lan này có tác dụng tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mạn tính, giải nhiệt… Nhiều bác sĩ Việt Nam cho biết, công dụng của loại cây này đã được thổi phồng thành dược liệu chữa ung thư. Thực chất đây là một loài lan quý, không phải thuốc.
Quả ươi là dược diệu quý nhưng bị bỏ rơi trong quản lý
Của quý không biết giữ
Cơ quan chức năng các địa phương khá vất vả trong việc ngăn chặn việc khai thác kiểu tàn sát, tận diệt này. Nhưng, nói như ông Trần Anh Tuấn, việc ngăn chặn là gần như bó tay. Rừng có trăm ngàn lối ra vào, người hái ươi cũng cả ngàn, lực lượng chức năng thì lèo tèo, sao ngăn cản được. Việc ngăn chặn săn lùng lan kim tuyến cũng vậy. Ông Lê Ngọc Kích, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói: “Việc không ngăn chặn được nạn khai thác ươi là bài học về giữ rừng kiểu hành chính, phải xem lại đã phù hợp với thực tế chưa? Ai tổ chức thu mua và thu mua ra sao?”.
TS Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn cây thuốc Việt Nam lo ngại: “Lan kim tuyến mọc rải rác mà số lượng ở từng nơi lại không nhiều, còn bị khai thác quá mức để xuất qua TQ nên đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Loại cây này sống ở vùng núi, đất mùn, có lá cây che phủ nên rất khó mang về trồng ở vườn nhà hoặc quy hoạch thành vùng trồng để bảo tồn. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang phải đối diện với nạn “chảy máu” nguồn gen các cây quý hiếm bởi chiến lược thu thập, lai tạo và làm giàu gen của các tư thương nước ngoài.Tình trạng này cảnh báo các địa phương nêu cao cảnh giác, bảo vệ nguồn gen quý hiếm cây trồng quốc gia”.
Lâu nay nguồn cây quý, nhất là dược liệu trong nước cứ ùn ùn đưa qua TQ. Ông Kích lo lắng: “Ngành y tế không thể đứng ngoài cuộc nhìn nguồn thuốc quý của mình chảy sang nơi khác, lúc cần thì mình mua lại với giá cắt cổ”. Chưa có một thống kê nào cho thấy có bao nhiêu loại dược liệu quý, cây quý bị khai thác theo kiểu tận diệt, trong khi chính quyền sở tại quản lý theo kiểu “nóng đâu, phủi đó”.
Trung Việt - Bảo Thoa