Cứ thế, đều đặn suốt mấy mươi năm qua, hình ảnh người đàn bà có dáng người lọm khọm bên xe bánh mì đã trở nên quen thuộc với người đi đường ở khu vực này. Ít ai biết tên thật của bà, người ăn cứ quen miệng gọi là bánh mì bà già ngã tư.
|
Đã gần 80 tuổi nhưng bà Tư vẫn cặm cụi mưu sinh bên chiếc xe bánh mì của mình. |
Xe bánh mì của bà Tư cũng không có gì đặc biệt so với những xe bánh mì khác, cũng một tủ kính nhỏ để các nguyên liệu như: bơ, chả, thịt heo quay, xíu mại.... Tuy nhiên, bánh mì bà Tư được nhiều người ưa thích vì cái hương vị thơm ngon của nó. Mặc dù trời đêm trở lạnh nhưng ổ bánh mì ở đây luôn nóng và giòn rụm, đó là nhờ có bếp than hồng đặt cạnh chiếc xe.
Bánh mì bà Tư có nhiều loại cho người mua lựa chọn, từ bánh mì thịt, bánh mì xíu mại, đến bánh mì chả lụa, heo quay... món nào cũng hấp dẫn và ngon miệng. Ngoài ra, nhiều người thích ăn bánh mì của bà Tư vì nồi nước sốt. Nồi nước sốt to đùng sóng sánh ánh vàng, không quá ngọt cũng không quá mặn, cái thứ nước sền sệt hơi béo thấm vào ổ bánh mì đem đến cho người ăn hương vị đậm đà thật khó diễn tả.
|
Nồi nước sốt sền sệt là điểm ưa thích của thực khách khi ăn bánh mì ở đây. |
Vừa nhấm nháp ổ bánh mì, vừa trò chuyện dăm ba câu cùng bà Tư. Bà cho biết, tên thật của bà là Phạm Kim Mai, nhà ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Bà bán bánh mì tính ra đã hơn 50 năm, từ khi con trai lớn của bà mới hơn một tuổi, bây giờ đã năm mươi lăm tuổi. Vừa làm ổ bánh mì cho khách, bà vừa kể: "Ngoại đi bán bánh mì khi con trai mới hơn một tuổi, lúc đó còn trẻ, khỏe, nên ngoại gánh bánh mì bán rong qua các con đường. Từ khu chùa Khmer bên bờ kênh Nhiêu Lộc qua đến bên ga xe lửa. Ngày nào cũng đi từ sáng đến tối mịt. Giờ ngoại lớn tuổi, không còn sức đi nữa nên đứng bán ở đây, cũng được mười mấy năm".
Nhìn dáng người hom hem, mái tóc bạc phơ của bà mà không khỏi ái ngại. Khi được hỏi sao ngoại lớn tuổi rồi không ở nhà nghỉ ngơi mà đi bán đêm hôm khuya khoắt như vậy, bà Tư vừa cười vừa trả lời: "Ngoại còn khỏe, còn kiếm sống được mà. Mấy đứa con, cháu cứ bảo ngoại ở nhà nghỉ đi, đừng đi bán nữa nhưng ngoại không chịu. Gắn bó với nó (xe bánh mì) mấy chục năm nay rồi, giở bỏ nó không được, nghỉ ở nhà cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó".
|
"Ngoại ơi!" là tiếng gọi quen thuộc của thực khách khi ghé mua bánh mì của bà Tư. |
"Ngoại ơi, cho con ổ bánh mì!" "Chờ ngoại một tí!". Nghe bà Tư và khách trò chuyện, cứ như người trong một nhà. Gần 80 tuổi nên bà Tư không còn nhanh nhẹn, cứ từ từ làm từng ổ một, người mua cũng nhẫn nại đứng chờ, không ai hối thúc hay cằn nhằn một điều gì. "Giờ già cả rồi, có làm nhanh được đâu, cũng may là ai cũng thương ngoại nên cứ đứng chờ" bà Tư vừa cười móm mém vừa nói.
Cứ thế, khách ghé đến rồi lại đi, suốt bao nhiêu năm qua, xe bánh mì của bà Tư cứ lặng lẽ tồn tại nơi góc vỉa hè. Trong cái lạnh của Sài Gòn khi đêm về, ổ bánh mì nóng giòn không chỉ giúp người đi đường đỡ đói lòng mà còn mang đến cảm giác ấm áp, thân thương.
Địa chỉ: Vỉa hè đường Trần Huy Liệu, đoạn gần giao nhau với đường Lê Văn Sỹ. Trước cửa hàng tiện ích Shop & Go. Bà Tư bắt đầu bán từ 22h đến 2h sáng.
Huấn Phan