|
Chân gà chấm tương ớt pha tỏi đường ngon vô cùng. Ảnh: Facebook Cá hồi xông khói.
|
Nguyên liệu:
- Chân gà: 1 kg (chân gà công nghiệp sẽ ngon hơn chân gà ta, chân gà ta bé quá muối lên bị khô sắt lại)
- Nước mắm ngon: 1 bát ăn cơm (lưu ý là dùng nước mắm ngon, sậm màu, độ đạm cao).
- Giấm ngon: 1,5 bát ăn cơm
- Đường vàng: 2 bát ăn cơm
- Nước lọc: 4 bát ăn cơm
- Hạt tiêu sọ xay thô: 1 thìa canh
- Hạt tiêu xanh: vài nhánh
- Tỏi: 1 củ thái lát mỏng
- Ớt tươi: vài quả chẻ tư (nếu không ăn được cay thì bỏ bớt hạt ớt chứ đừng không có ớt sẽ mất ngon)
- Gừng đập dập: 1 miếng.
Cách làm:
- Chân gà: chọn chân trắng, ngon, không thâm, không sần sùi, bóc hết vẩy, bao móng (không nên chặt móng vì khi ngâm da sẽ co rút lại sẽ xấu mà muối xong hãy cắt đi), xát muối, rửa sạch qua nước muối loãng và tráng lại bằng nước lần cuối cùng.
- Luộc chân gà với chút muối và một miếng gừng (gừng làm chân gà thơm). Chân gà chín tới (từ lúc sôi 5 phút) là vớt ra nhúng vào bát nước sạch, rửa sạch nhớt, tiết bám trên chân gà. Để chân gà nguội hoàn toàn, khô ráo (có thể bọc màng nilon thực phẩm rồi để vào ngăn mát tủ lạnh vài giờ cho da se lại thì sẽ giòn hơn).
- Đun sôi: đường mắm dấm nước lọc hạt tiêu sọ, khi sôi thì nếm và điều chỉnh vị mặn ngọt chua cay theo ý muốn. Để nước thật nguội.
- Xếp chân gà vào lọ, đổ nước ngập, thêm tiêu xanh, ớt, tỏi và chèn cho chân gà ngập nước. Muối hai ngày là ăn được. Bảo quản ngăn mát tủ lạnh để được vài tuần.
- Khi lấy chân gà ra khỏi lọ muối nên ăn hết hoặc nếu không ăn hết cất riêng lọ khác để bảo quản được lâu.
- Yêu cầu thành phẩm: nước muối trong vắt, thơm, chân gà ngấm gia vị, thịt săn chắc không bở.
* Lưu ý để có một mẻ thịt muối thành công (không bị meo mốc, váng):
- Lọ muối thịt rửa sạch, tráng nước sôi, lau khô
- Các loại gia vị cần phải rửa: tiêu xanh, ớt, tỏi thì phải để khô, chỉ dính vài giọt nước lã thì lọ thịt muối rất dễ meo mốc.
- Chân gà không luộc nhừ, vớt ra ngâm ngay vào bát nước lạnh để thịt săn lại, rửa sạch nhớt.
- Nước ngâm phải nguội hoàn toàn.
- Chân gà ngâm 2 ngày là ăn được, chân giò và bắp bò thì lâu hơn từ 3 đến 5 ngày tùy độ to nhỏ của thịt nhưng không nên to quá sẽ khó ngấm gia vị.
- Trời nồm ấm thì phải muối trong ngăn mát tủ lạnh. Mùa đông có thể muối bên ngoài rồi khi ngấm gia vị cho vào ngăn mát.
- Mỗi gia đình có khẩu vị khác nhau nên tỷ lệ mắm, đường, dấm, nước lọc, ớt có thể điều chỉnh sao cho hài hòa vị mặn ngọt chua cay.
theo ngoisao.net