Đó là kết quả một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ, vừa được công bố trên tạp chí Diabetologia (của Hiệp hội Tiểu đường châu Âu).
Các nhà nghiên cứu cho biết, bệnh tiểu đường khi mang thai hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ thường tự biến mất sau khi sinh, từ lâu đã được biết đến làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 ở phụ nữ sau này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, có đến 1/3 số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 2 đã có tiền sử bị bệnh tiểu đường thai kỳ.
Trong nghiên cứu, tiến sĩ Cuilin Zhang - một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực dịch tễ học tại Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển con người Mỹ - cùng các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu y tế của gần 1.700 phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ từ giữa năm 1991 và 2001, tham gia trong một chương trình nghiên cứu mang tên Bệnh tiểu đường và sức khỏe phụ nữ Mỹ.
Sau hơn 18 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện có 259 phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường type 2. Nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 tăng 27% cho mỗi 5kg mà người phụ nữ tăng thêm sau khi mắc bệnh tiểu đường thai kỳ - bất kể thể trọng của họ trước khi mang thai như thế nào.
Riêng đối với những phụ nữ bị béo phì và phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ, tăng 5kg hoặc nhiều hơn sau khi sinh, nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 tăng hơn 43 lần so với những phụ nữ không bị béo phì và thể trọng tăng ít hơn 5kg sau khi mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Nguy cơ này vẫn không thay đổi trong số những phụ nữ tham gia, ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu đã xem xét đến các yếu tố gây bệnh tiểu đường type 2 như tuổi tác, tiền sử gia đình bị bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống, mức hoạt động thể chất, cho con bú và thời gian mang thai.
Dưa trên kết quả một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Obstetrics & Gynecology gần đây, có gần một nửa số thai phụ đã tăng cân nhiều hơn so với mức khuyến nghị trong thời gian mang thai. Đây thực sự là điều cần được quan tâm, vì tình trạng tăng cân quá mức ở thai phụ thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của cả người mẹ lẫn trẻ sơ sinh, trong đó có bệnh tiểu đường thai kỳ và bệnh tiểu đường type 2 ở người mẹ".
Tiến sĩ Zhang khuyến cáo: "Phát hiện của chúng tôi cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì một thể trọng khỏe mạnh ở phụ nữ ngay cả trước khi mang thai và sau khi sinh, để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Phương pháp hiệu quả nhất có thể giúp phụ nữ ngăn ngừa hoặc trì hoãn việc phát triển bệnh tiểu đường type 2 là thực hiện giảm cân và tập thể dục. Trong đó việc tập thể dục đối với chị em là rất quan trọng, vì qua đó có thể giúp cải thiện mức đề kháng insulin trong cơ thể".
(Theo USnews)