* Quá trình mang thai và vượt cạn là một hành trình đầy bất trắc. Trước và trong khi mang thai, chị em phải chuẩn bị về tâm lý và sức khỏe như thế nào, thưa BS?
TS-BS Lê Thị Thu Hà: Để có một thai kỳ khỏe mạnh, các chị em nên chuẩn bị sức khỏe đầy đủ:
+ Cơ thể người mẹ khỏe mạnh thì việc mang thai và sinh nở dễ dàng, thuận lợi hơn. Vì vậy, các chị em cần chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi mang thai. Các chị em nên khám sức khỏe tổng quát, nếu có những bệnh lý như thiếu máu, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp, tim mạch… cần điều trị trước khi mang thai.
+ Thai nhi nằm trong tử cung, thai giai đoạn sớm phát triển nhờ hoạt động nội tiết của buồng trứng. Vì vậy, người mẹ cần có tử cung và buồng trứng có chức năng bình thường. Tình trạng viêm nhiễm bộ phận sinh dục ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng mang thai và sinh đẻ. Nhiễm trùng âm đạo có thể gây vỡ ối non, nhiễm trùng bào thai. Viêm nhiễm từ bộ phận sinh dục có thể lây truyền cho bé lúc sinh. Vì vậy, các chị em nên khám phụ khoa để đánh giá tình trạng tử cung, buồng trứng, âm hộ, âm đạo. Nếu có bệnh, tùy vào từng trường hợp bệnh lý cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.
+ Một số bệnh của người mẹ như viêm gan B, Rubella, thủy đậu, sởi có thể lây truyền sang con. Vì vậy, ngoài việc khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa, cần tiêm ngừa các bệnh như Rubella, sởi, quai bị, cúm, viêm gan B, thủy đậu. Sau khi tiêm ngừa Rubella ba tháng hãy có thai, chí ít cũng từ 30 ngày trở lên.
+ Dinh dưỡng phù hợp trước mang thai là điều cần thiết. Các chị em giữ cân nặng ở mức trung bình là tốt, tránh béo phì hoặc gầy còm.
Trong khi mang thai, chị em cần theo lịch hẹn khám thai định kỳ, từ đó bác sĩ sẽ khám và cho thực hiện những xét nghiệm cần thiết tùy vào từng giai đoạn tuổi thai.
* Có những nguy cơ gì rình rập trẻ khi ra khỏi lòng mẹ không, thưa BS?
- Sau sinh, bé được tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, ngừa lao. Hai tháng sau, theo lịch hẹn, mẹ cần đưa bé khám và tiêm ngừa các bệnh cần thiết khác nằm trong chương trình tiêm ngừa quốc gia dành cho trẻ dưới một tuổi như: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ do Hib. Các mũi tiêm này sẽ được nhắc lại ở tháng thứ ba và thứ tư (có nghĩa là lần 1, trẻ được hai tháng tuổi, lần 2 trẻ được ba tháng tuổi, và lần 3, trẻ được bốn tháng tuổi). Khi trẻ được chín tháng tuổi, thì cần đưa trẻ đi chích ngừa bệnh sởi.
Người mẹ nên cho bé bú sữa mẹ để được hưởng thụ những lợi ích từ việc này, đặc biệt giúp trẻ tránh được những bệnh từ môi trường nhờ kháng thể từ sữa mẹ.
* Được biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ viêm gan B khá cao, vậy trong trường hợp người mẹ đã bị viêm gan B, có những biện pháp nào để tránh lây truyền sang con không, thưa BS?
- Trong lúc có thai: người mẹ được làm các xét nghiệm đánh giá mức độ bệnh và khả năng lây truyền cho con. Có những trường hợp người mẹ cần được điều trị trong quá trình mang thai.
Ngay sau khi sinh: ngoài mũi thuốc tiêm ngừa viêm gan B lần thứ nhất, em bé mới sinh của bạn sẽ được tiêm hepatitis B immunoglobulin (HBIG). Liều thứ nhất của thuốc chủng ngừa hepatitis B và HBIG phải được tiêm cho bé trong vòng 12 giờ sau khi sinh. Nếu bé được tiêm trong vòng 12 giờ đầu đời và được tiêm ngừa đầy đủ sau đó, bé sẽ có hơn 90% cơ hội được miễn nhiễm viêm gan B sau này.
Trường hợp sinh mổ: cũng không ngừa được sự truyền nhiễm của bệnh viêm gan B từ mẹ sang con. Tiêm ngừa viêm gan B cùng với tiêm thuốc HBIG là phương cách tốt nhất để bảo vệ em bé sơ sinh của bạn khỏi bị bệnh viêm gan B.
Trong sáu tháng đầu tiên: rất quan trọng và cần thiết cho em bé sơ sinh của bạn được tiêm đầy đủ loạt thuốc ba mũi tiêm ngừa viêm gan B đúng thời hạn. Được như thế sẽ bảo vệ em bé khỏi bị bệnh viêm gan B.
* Xin cám ơn BS.
theo phunuonline