Sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên tới khi 5 tuổi chị Hoài vẫn còn được… mớm cơm. Chị kể, những năm 90, đời sống kinh tế khó khăn, bố mẹ đi làm suốt nên chị suốt ngày quanh quẩn bên mấy đứa trẻ con nhà hàng xóm. Đến bữa, ông nội chúng mang cơm ra mớm cho cả lũ. 4 đứa nhóc đứng quây quanh há mồm như chim sẻ chờ mồi từ mẹ.
Chính vì vậy, với chị Hoài, mớm cơm là điều rất bình thường, thậm chí mang lại nhiều lợi ích. Có lợi với ai chị không rõ nhưng với cu Bin, con trai chị, mớm cơm giúp chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Chị kể: “Cu Bin gần 3 tuổi rồi mà vẫn không chịu nhai. Tôi và bố cháu rất bận rộn chẳng ai có đủ thời gian ngày nào cũng nấu cháo cho cháu. Mua cháo ở ngoài vừa đắt vừa không an toàn. Tôi tính cứ nhai cơm với rau, thịt, cá rồi mớm cho cháu ăn. Cháu đủ chất, chắc dạ mà vợ chồng tôi có nhiều thời gian làm việc khác”.
Chị hào hứng khẳng định từ khi không nấu cháo cho cu Bin, mỗi ngày chị tiết kiệm được hơn 1 tiếng đồng hồ. Khoảng thời gian đó, chị tranh thủ ngồi làm thêm, mỗi ngày cũng kiếm thêm gần 100.000 đồng nữa. Vị chi cả tháng, chị đút túi thêm gần 3 triệu đồng. Số tiền này gần bằng cả tháng lương công nhân của chồng chị.
Không tính toán chi li như chị Hoài nhưng chị Nguyệt cũng rất hào hứng với việc mớm cơm cho bé Ly. Với chị, mớm cơm chỉ là cách chiều con. Bé Ly rất thích ăn cơm nhưng chỉ ăn thoải mái sau khi mẹ đã nhai nát thìa cơm.
Chị Nguyệt chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng hơi ngại vì thấy mớm cơm cứ… bẩn bẩn thế nào ấy. Nhưng bé Ly lại thích nên tôi kệ. Được mẹ mớm cơm, cháu ăn ngoan lắm. Nếu để cháu tự nhai, phải hơn 1 tiếng mới xong một bát. Nhiều lúc, cơm vữa nát ra rồi mà cháu còn chưa ăn xong. Nếu ăn mớm, có khi 15 phút cháu đã hoàn thành nhiệm vụ. Con thích, mẹ nhàn nên tôi chọn cách mớm cơm”.
Ảnh minh họa.
“Mớm” luôn mầm bệnh cho con
Chị Hoài rất hạnh phúc vì chỉ sau vài tháng, chị đã kiếm thêm được hơn 10 triệu. Chị tâm sự số tiền này có thể nhỏ so với nhiều người khác nhưng với gia đình chị, đó là khoản tương đối lớn. Và khoản này có được là nhờ chị nghĩ ra “tuyệt chiêu” mớm cơm cho con.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc của chị không kéo dài được lâu. Một lần, chị được cơ quan đi khám bệnh tổng thể, chị mới phát hiện ra chị bị viêm gan B.
Chị thiểu não: “Tôi không hiểu tại sao mình lại bị viêm gan B nữa. Trước đây tôi đã tiêm phòng rồi mà. Nhưng bác sĩ giải thích rằng có thể khi tiêm tôi không khám cẩn thận nên không phát hiện ra đã bị nhiễm virus trước đó”.
Lo lắng vì mình mắc bệnh chỉ là phần nhỏ. Điều khiến chị đau đầu nhất chính là cu Bin có thể lây bệnh từ chị. Và chị sớm có câu trả lời khi đưa con trai đi xét nghiệm máu. Cu Bin cũng nhiễm virus viêm gan B. Và chị chắc chắn việc mớm cơm chính là nguyên nhân chị truyền bệnh cho con.
Bây giờ chị chỉ biết ngồi trách bản thân. Tiết kiệm được chút thời gian, kiếm thêm chút tiền nhưng hậu quả mà nó mang lại thì lớn quá sức tưởng tượng của chị.
Bé Ly may mắn hơn cu Bin là không bị mắc bệnh trọng nhưng bé cũng khiến chị Nguyệt đau đầu. Vì thường xuyên được mẹ mớm cơm, bé tự dưng quên… nhai. Đồ ăn gì bé cũng nuốt chửng. Và kết quả là bé thường xuyên bị viêm răng lợi. Chị Nguyệt kể, nhiều khi đứng cách con 1m mà chị vẫn ngửi thấy mùi hôi từ mồm con, chị xót xa lắm.
Đưa con đi khám, chị mới biết thì ra do bé lười nhai nên răng kém phát triển, cặn thức ăn dính đầy răng khiến răng bé khá nhạy cảm. Tệ hại hơn, chị bị viêm lợi nên đã truyền bệnh cho con khi mớm cơm. Chị là người lớn, sức đề kháng cao nên viêm lợi không tác động nhiều tới sức khỏe nhưng bé Ly thì khác. Mỗi khi viêm lợi, bé hay sốt và quấy.
Bác sĩ cấm chị mớm cơm cho con và yêu cầu chị tìm mọi cách cho bé tập nhai. Chỉ có như vậy, vấn đề răng miệng của bé mới được cải thiện.
Các bác sĩ khuyến cáo người lớn không nên mớm cơm cho trẻ, vì không chỉ viêm lợi hai viêm gan B, mà bệnh viêm dạ dày cũng có thể lây qua đường ăn uống vì vi khuẩn Helicobacter pylori còn có trong nước bọt, lợi và chân răng của con người. Vì thế, người lớn không nên nhá cơm cho trẻ ăn. Bởi người lớn có thể mắc vi khuẩn Hp mà không biết, khi nhai thức ăn rồi mớm cho trẻ ăn, họ sẽ làm bé bị lây bệnh.