1. Bạn tôi kể: đi học về cu Bin - con bạn - khóc nức nở. Dỗ dành mãi, Bin mới “bật mí” đôi chút lý do khiến cậu phải ấm ức. Thì ra Bin khóc vì những câu nói của cô giáo. Bin đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở TP.HCM.
Trong tiết học toán, cô giáo gọi Bin lên làm bài tập và Bin đã thiếu sót khi cậu quên tính một cạnh của tam giác. Thay vì chỉ lỗi sai cho Bin thì cô giáo trừng mắt: “Còn một cạnh nữa để con chó nó tha à?”. Vừa quê với các bạn vừa bất ngờ trước cách nói của cô, tuy ấm ức nhưng Bin chỉ biết cúi mặt về chỗ ngồi.
2. Trò chuyện với con trai đang học lớp 5 cũng ở một trường tiểu học, tôi thêm một lần bị “sốc” khi nghe cháu kể câu chuyện cũng gần như chuyện của Bin.
Cháu kể rằng một hôm lớp con hơi ồn ào một chút thì cô không nhắc nhở, la rầy mà hỏi: Trong lớp mình có nhà bạn nào nuôi chó không? Một số bạn giơ tay lên và cô tiếp tục hỏi: nếu con chó sủa mà chủ nhà quát thì nó có im không?
Khi học sinh trả lời “có” thì cô giáo tiếp tục: Vậy đó, con chó mặc dù nó ăn... nhưng khi chủ quát thì nó im, còn các em được ăn ngon, được chăm sóc kỹ vậy mà cô giáo nói không nghe lời. Cháu còn kể ở lớp khi các em làm việc gì chậm chạp thì cô lại nói: “Lũ này là lũ ăn hại”.
Hơi băn khoăn về những câu chuyện cháu kể, tôi bày ra lý do để mời một số bạn trong lớp của cháu đến nhà chơi với mục đích thẩm định lại. Và các bạn của con tôi đều khẳng định ở lớp cô giáo thường lấy hình ảnh con chó để so sánh những hành vi quậy phá, chưa ngoan... của học sinh.
Quan trọng hơn, các cháu đều cảm thấy ấm ức trước những lời như vậy của cô giáo. Con tôi so sánh cô giáo hiện tại với các giáo viên dạy cháu từ lớp 1 đến lớp 4 rồi nói chưa có giáo viên nào nói với chúng con như vậy nên chúng con thấy xấu hổ lắm.
Thiết nghĩ một giáo viên giỏi là một giáo viên lấy được tình cảm của học sinh, chiếm được lòng ngưỡng mộ, kính trọng của học sinh chứ không “gieo” nỗi khiếp sợ cho học sinh.
Một giáo viên có tâm huyết là biết truyền cho học sinh ý thức về sự tự giác, biết cư xử với những người xung quanh cũng như ngoài xã hội một cách có văn hóa... chứ không phải “đóng đinh” tự ti vào đầu con trẻ. Những hành xử phản sư phạm từ môi trường học đường có thể dẫn các em đến sự phát triển lệch lạc.
Ngày xưa, thầy đồ thường sử dụng roi vọt nhằm mục đích uốn nắn thói hư tật xấu của học sinh. Thế nhưng trong mắt học trò, hình ảnh người thầy luôn cao cả, đẹp đẽ. Họ được ví như những người đưa đò cần mẫn, chèo lái đưa các thế hệ học sinh sang sông một cách an toàn. Bởi lẽ họ luôn yêu thương và cư xử đúng mực với học trò.