Mẹ tôi từ Việt Nam sang để chăm sóc con gái đẻ. Bà cùng con rể vào phòng sinh để giúp tôi vượt qua những giây phút khó khăn nhất của người phụ nữ.
Bà rất ngạc nhiên tại sao khu vực này ở bệnh viện Đức lại im ắng thế, chẳng có cảnh gào khóc ầm ĩ của các thai phụ, cảnh người nhà nhấp nhổm ngồi bên ngoài, chốc chốc thấy ai từ phòng đẻ bước ra là lao tới để hỏi han tình hình.
Đã có kinh nghiệm vào các bệnh viện phụ sản ở Việt Nam từ những lần đưa con dâu đi đẻ, mẹ tôi kể, có nhiều sản phụ la hét, chửi bới chồng con và cả bác sĩ, rất buồn cười. Nhưng rồi ai cũng chẳng ai để bụng vì nghĩ có thể điều ấy khiến họ... bớt đau hơn.
Có phải phụ nữ ở Đức không đau đẻ? Hay họ có thuốc 'thần dược giảm đau' nào?
Tất nhiên đẻ thì phải đau đớn rồi. Nhưng đúng là họ có 'thần dược giảm đau' thật. 'Thần dược' ấy không gì khác chính là sự chuẩn bị tâm lý rất tốt ngay từ ban đầu và có một vài mẹo nhỏ để giúp họ 'vượt cạn' dễ dàng hơn.
Ở Đức, các bệnh viện phải luôn nâng cao dịch vụ để thu hút bệnh nhân. Nhiều bệnh viện có những giờ mở cửa dành cho các cặp đôi sắp thành bố mẹ đến thăm quan cơ sở vật chất.
Các ông bố bà mẹ sẽ được giới thiệu tỉ mỉ các phương pháp sinh khác nhau và ưu thế của chúng để lựa chọn. Họ còn có thể thảo luận trực tiếp với các bác sỹ đầu ngành về những gì còn vướng mắc.
Bên cạnh đó, hầu hết các phụ nữ có bầu đều đi học một lớp tiền sản. Họ được miễn phí cho khóa học này, tuy nhiên người đi cùng (chồng hoặc một người thân) thì phải trả một số tiền nhỏ.
Các lớp tiền sản giúp người phụ nữ trang bị những kiến thức sơ đẳng nhất trong lúc 'vượt cạn'. Bài học đầu tiên đó là phải hết sức bình tĩnh trước cơn đau, không gào khóc thảm thiết vì điều đó không hề giảm bớt đau đớn lại vừa khiến bản thân kiệt sức và làm chồng, người thân và các bác sỹ bối rối, căng thẳng.
Có nhiều hoạt động trong lớp tiền sản như mát xa, các bài tập vận động cho bà bầu, các ông chồng học cách giúp vợ như thế nào ...nhưng quan trọng nhất đó là học cách thở để có thể giảm được những cơn đau: hít một hơi thật dài, từ từ thở ra, đếm trong đầu từ 1 đến 10, khi đến 10 thì vừa thở hết hơi trong bụng.
Chú ý phải thở thật đều và nhẹ nhàng, không nín thở rồi thở phì ra luôn. Nếu bạn đã từng tập Yoga thì bài tập này rất đơn giản. Tôi đã tập như vậy hàng ngày vào buổi sáng, mỗi lần chỉ khoảng 5 phút. Bài tập này rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả cho những cơn chuyển dạ.
Trong lúc đẻ, khi một cơn co thắt bắt đầu và tăng đến đỉnh điểm của nó, bạn sẽ trải qua những cơn mót rặn mạnh để đẩy bé ra khi bé di chuyển xuống. Một bài tập hữu ích khác lúc này đó là lấy hơi bằng những hơi thở ngắn, dồn dập rồi rặn mạnh ra.
Sinh con không phải là điều bạn có thể quyết định được mà là một phản ứng theo bản năng không có sức mạnh nào chống lại được. Nhưng với cách thở như trên, bạn sẽ làm cho tiến trình ấy dễ dàng hơn.
Đến khi phần đầu của bé nhô ra là lúc bạn sẽ có một cảm giác nóng ran. Lúc này nên ngưng rặn để các chờ các mô tầng sinh môn mỏng đi và căng ra. Điều này có thể khó vì bạn vẫn đang mót rặn nhưng nên cố nhịn, nếu không bạn sẽ làm căng không đúng tầng sinh môn và sẽ làm rách hoặc cần phải cắt tầng sinh môn.
Việc thở dồn dập là một cách hay để kìm hãm chuyện mót rặn. Khi phần đầu của bé lọt ra ngoài thì công việc của mẹ không còn nhiều nữa. Với vài cái nhún nhẹ, phần vai của bé sẽ lọt ra và bé sẽ trườn người vào bàn tay của các bác sỹ đang chờ sẵn.
Lúc này các bác sĩ sẽ làm nốt các phần việc còn lại trong khi mẹ có thể sung sướng đón nhận tiếng khóc chào đời của con và hơi thở ấm áp của bé trên ngực.
Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp ích ít nhiều cho những người chuẩn bị làm mẹ cũng như hành trình vượt khó để đến được với các bé yêu.
Hoài Vũ