Khi bị mẹ nhét đồ ăn vào miệng, Tin lập tức ngậm đồ ăn chứ không chịu nuốt. Chị Lan – Mẹ của Tin rất lo lắng vì chứng biếng ăn của con.
Cũng giống như cu Tin con chị Lan, bé Bông nhà chị Hương (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng không hứng thú với việc ăn dù chị Hương đã cố gắng thay đổi các món ăn hàng ngày và hỏi xem con mình muốn ăn gì trước khi nấu cơm. Tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện.
Dỗ dành không hiệu quả, chị Hương đâm cáu và quay ra la mắng thành ra bé Bông giờ rất sợ mỗi khi tới giờ ăn. Con bé cứ nem nép và tìm cớ trốn đi đâu đó để không phải ăn cơm.
Theo các chuyên gia thì nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn có rất nhiều, tuy nhiên có 3 nguyên nhân chính sau đây những mẹ có con biếng ăn cần chú ý:
1. Nhầm lẫn trong việc chế biến đồ ăn dặm cho con
Trong giai đoạn đầu trẻ mọc răng, nhiều bà mẹ đã có sự nhầm lẫn rằng, chế biến đồ ăn dặm cho con càng có nhiều hương vị thì trẻ sẽ càng ngon miệng. Đây là một suy nghĩ sai lầm bởi vị giác của trẻ trong giai đoạn này mới bắt đầu được hình thành. Thức ăn có mùi vị quá nồng có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển vị giác ở trẻ nhỏ gây ra chứng chán ăn.
Vì vậy, tốt nhất, khi chế biến đồ ăn dặm cho con, các mẹ không nên cho thêm gia vị vào bởi đây lànguyên nhân khiến trẻ biếng ăn hàng đầu mà mẹ không bao giờ ngờ tới.
Đôi khi nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn chỉ đơn giản là do bị ấn tượng xấu về món ăn đó. (Ảnh minh họa)
2. Con bắt chước cha mẹ
Cha mẹ thường là tấm gương cho con cái. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống của cha mẹ. Nếu con thấy cha mẹ của mình hầu như không bao giờ ăn đủ ba bữa mỗi ngày hoặc vừa ăn vừa mải đọc báo, mải xem tivi… thậm chí bỏ bữa thì chắc chắn bé sẽ không có được thói quen ăn uống lành mạnh.
Ngay từ khi con còn nhỏ, người lớn hãy tránh thói quen ăn uống theo cảm xúc hoặc thường xuyên nói trước mặt con rằng mình không thích món nọ hoặc không muốn ăn món kia. Điều này vô hình sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng bởi sự kén ăn.
Hãy giúp con có thói quen ăn uống tốt bằng cách cùng ngồi ăn với con bằng thái độ tích cực và nói với con về tác dụng của những món có mặt trên bàn ăn.
3. Loại bỏ yếu tố tâm lý
Trẻ có thể không thích hoặc không muốn ăn một món nào đó. Khi gặp những tình huống như vậy, người lớn hãy tránh thúc ép con ăn. Thay vào đó, hãy từ từ giúp bé thay đổi thói quen.
Hãy khuyến khích con thử một món ăn nào đó và cùng ngồi ăn với con, bé sẽ cố gắng thử và loại bỏ suy nghĩ “Mình không ăn món này”.
Việc để trẻ tự chọn món ăn cho bản thân hoặc lựa chọn thực đơn cho bữa ăn cũng là cách khuyến khích trẻ ăn một cách tự giác hơn. Điều này sẽ tăng thêm cảm giác ngon miệng cho trẻ mà người lớn không cần phải bực mình vì vấn đề cho con ăn.
Theo các chuyên gia tâm lý thì việc để con quyết định thực đơn sẽ giúp trẻ nhận thấy rằng mình quan trọng và mình đang được quan tâm.
Đôi khi chỉ vì có ấn tượng xấu về một món ăn nào đó, trẻ có thể sẽ từ chối ăn món này vào lần sau. Cách tốt nhất đó chính là người lớn hãy thay đổi món ăn để cải thiện cảm giác thèm ăn ở trẻ nhỏ.