|
Khi mới tập ăn dặm không được nản chí và cũng không nên ép bé. Ảnh: wallpapersinbox |
Trả lời
Chào bạn,
Theo qui định của UNICEF và WHO, trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, sau đó mới cần ăn dặm. Những trường hợp cần thời điểm ăn dặm khác cần có sự đánh giá và tư vấn của bác sĩ.
Khi tập ăn dặm, cháu cần được làm quen dần với những thức ăn mới, lần lượt từng thứ một, và làm quen với độ đặc cũng như độ lợn cợn tăng dần, mùi vị khác nhau của thực phẩm. Vì vậy, cháu đang uống sữa sẽ tập ăn dặm đầu tiên với sữa pha thêm tinh bột (hay bột ngọt), sau đó phối hợp thêm trái cây hay ngũ cốc khác (bột trái cây, ngũ cốc, rau củ). Sau đó thay đạm sữa bằng đạm động vật như thịt, cá, tôm, cua, trứng (bột mặn). Mỗi món mới nên thử ăn trong 2-3 ngày liên tiếp để đánh giá khả năng dung nạp của bé, xem có dị ứng hay không.
Trẻ mới tập ăn có thể chưa quen với thức ăn mới nên có khi cứ nhè ra, sau cả chục lần mới chịu ăn, nuốt, do đó khi mới tập ăn dặm không được nản chí và cũng không nên ép bé.
Phân cũng có thể hơi thay đổi về màu sắc và độ đặc, nhưng nếu bé khỏe và vui vẻ thì không sao. Nếu có biểu hiện rối loạn sức khỏe nặng nề khi ăn dặm như ói, tiêu chảy, phân sống, chướng bụng… thì cần được khám để xác dịnh nguyên nhân.
Chúc bạn và bé nhiều sức khỏe.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu
Trưởng Khoa Dinh Dưỡng, BV Nhi đồng 2