Bà Nguyễn Thị Lan (52 tuổi, ngụ ở xóm Đồn) đang bị ung thư đại tràng hành hạ hơn một năm qua. Từ ngày phát bệnh đến nay, bà Lan sống nhờ vào thuốc và cứ 20 ngày bà vào TP.HCM để tái khám, xạ trị sau lần phẫu thuật cắt khối u. Kinh tế gia đình bà Lan cũng kiệt quệ vì tiền thuốc thang, đi lại, ăn ở mỗi khi tái khám. Ở xóm Đồn này, ngoài bà Lan còn có hai người khác đang chống chọi với ung thư từng ngày.
Một trong hai giếng nước dùng chung của xóm Đồn - Ảnh: Danh Lê
Ông Trần Phước Hòa, chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, nhẩm tính hơn hai thập niên nay, xóm Đồn có đến 41 người mắc bệnh ung thư gan, đại tràng, ung thư máu... trong lúc xóm chỉ có 90 hộ dân sinh sống. Đã có 17 người chết vì ung thư từ năm 2006 đến nay, riêng năm 2009 có năm người chết vì căn bệnh quái ác này.
Theo người dân, xóm Đồn khan hiếm nước sạch, việc đào giếng rất tốn kém nên cả xóm chỉ đào được hai giếng cho cả xóm dùng chung. Cách đây vài chục năm, một hợp tác xã (nay đã giải thể) xây dựng kho thuốc trừ sâu cách miệng giếng chỉ vài chục mét. Thời gian sau đó, xóm Đồn bắt đầu có người chết vì bệnh ung thư. Dân xóm Đồn nghi ngờ do thuốc trừ sâu ngấm vào lòng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước, gây bệnh ung thư.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thái - phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh - cho biết từ phản ảnh của người dân địa phương, bốn năm trước ngành y tế đã kiểm tra nguồn nước tại đây và khẳng định những người bị ung thư ở xóm Đồn không liên quan đến nguồn nước. “Trước bức xúc của dân khi bệnh ung thư không thuyên giảm, huyện sẽ có văn bản kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngành y tế kiểm tra, xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân khiến nhiều người dân xóm Đồn bị ung thư, trả lời cho dân rõ” - ông Thái nói. Ông Hồ Minh Nên, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho hay sắp tới khi có yêu cầu, báo cáo cụ thể tình hình ung thư ở xóm Đồn của chính quyền địa phương, trung tâm sẽ phối hợp để làm rõ nguyên nhân gây bệnh.
5 năm, 11 người chết vì ung thư
Khoảng năm năm nay, thôn Hòa Hội, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã có 11 người chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư gan, khiến người dân lo lắng.
Cách nhà dân khoảng 20m, nằm trên triền dốc là nghĩa trang của thôn, đến nay vẫn dùng để chôn cất người chết. Người dân nghi ngờ đây có thể là nguyên nhân khiến nguồn nước ở đây bị nhiễm bẩn và gây bệnh. Ở cuối làng, bằng mắt thường cũng nhận ra hầu hết giếng nước sinh hoạt đều nhiễm phèn, mặn và không đảm bảo độ trong nhưng người dân vẫn phải sử dụng để sinh hoạt.
Bác sĩ Trần Văn Thọ, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Sông Cầu, cho biết có thể những trường hợp bị ung thư gan tại Hòa Hội xuất phát từ nhiễm viêm gan siêu vi B. Đối với phụ nữ, theo tầm soát sơ bộ thì tỉ lệ bị viêm nhiễm có bốn tuýp virút độc lực mạnh, có khả năng gây ung thư cổ tử cung rất cao. Về nguồn nước, theo bác sĩ Thọ, phải có nghiên cứu kỹ mới đánh giá được nguyên nhân chính xác. “Trước mắt phải tập trung tầm soát bệnh, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh. Việc đầu tư nguồn nước sạch để cải thiện vệ sinh và đời sống của nhân dân tại đây là hết sức cần thiết” - bác sĩ Thọ nói.
Danh Lê
|