Ảnh minh họa:Internet
Một nhóm nghiên cứu ở Anh nhận thấy rằng, sắt có thể kích hoạt quá trình bệnh thông qua một gien bị lỗi trong ruột. Thịt đỏ chứa một lượng lớn chất sắt và được biết có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Khám phá này có thể dẫn đến những phương pháp điều trị mới, đó là “dọn dẹp” sắt trong ruột ở những người phát triển các tế bào bị ảnh hưởng bởi gien lỗi này.
Trong những cuộc nghiên cứu ở chuột, các chuyên gia ghi nhận rằng, bệnh ung thư ruột chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của sắt và một gien gọi là APC. Khi gen APC bị lỗi, những con chuột có lượng sắt cao có khả năng phát bệnh cao hơn 2-3 lần. Những con chuột được cho ăn một chế độ ăn uống ít chất sắt không bị ung thư ngay cả khi gien này bị lỗi, nhưng khi gien này hoạt động bình thường thì mức sắt cao không hề gây hại gì.
Theo Giáo sư Owen Sansom thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư Anh ở Glasgow, sắt đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự phát triển bệnh ung thư ruột ở những người có gien APC bị lỗi. Và điều thú vị từ cuộc nghiên cứu là bản thân mức sắt rất cao trong chế độ ăn không gây ung thư, mà nó phụ thuộc vào gien APC.
Nghiên cứu trên cũng đề xuất một cơ chế khác mà nếu được xác nhận ở người, có thể giúp giải thích tại sao nguy cơ ung thư ruột ở người tăng cùng với tuổi tác. Theo thời gian, các tế bào trong ruột sẽ ngày càng có khả năng phát triển các lỗi ở gien APC và do đó phản ứng với sắt trong chế độ ăn uống. Các nhà nghiên cứu cho biết rằng, khi gien APC không hoạt động, sắt được tích lũy trong các tế bào lót ruột. Điều này kích hoạt cơ chế ung thư di truyền, gây ra các tế bào nhân đôi ngoài tầm kiểm soát. Theo nghiên cứu, việc tiêu thụ sắt còn hỗ trợ sự tăng trưởng các tế bào có gien APC bị lỗi qua thời gian.
Kết quả nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Cell số ra mới nhất.
Huy Khang (Nguồn: Top News)