Ảnh minh họa: Internet
Kết quả nói trên rút ra từ một công trình nghiên cứu lớn nhất từ trước tới nay về mối quan hệ giữa thói quen ăn uống, lối sống và bệnh ung thư. Các nhà khoa học thuộc chương trình nghiên cứu EPIC ( Điều tra Triển vọng châu Âu về Ung thư) đã xem xét 8.000 ca ung thư vú, quan sát mức độ hoạt động và thói quen ăn uống của bệnh nhân.
Kết quả cho thấy, những người làm việc nhà 6 tiếng /ngày giảm được 13% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Những người chỉ làm 2,5 tiếng cũng giảm được 8%. Nói chung, hoạt động chân tay càng nhiều thì càng ít bị ung thư so với những người ăn không ngồi rồi, chẳng hoạt động gì cả.
Giáo sư Đại học Oxford Tim Key, chuyên gia về dịch tễ học của CRUK, chia sẻ: “Công trình nghiên cứu lớn này đã làm nổi bật lợi ích của sự hoạt động dù là tương đối ít. Nó cũng cho thấy sự tích cực hoạt động sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột. Chúng tôi sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc nghiên cứu về các dạng ung thư khác và tìm hiểu cơ chế hoạt động lý giải hiện tượng này”.
Chính phủ Anh đã từng khuyến cáo công dân nên dành 150 phút /tuần cho việc lao động chân tay như làm việc nhà hay đi bộ nhanh để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 39% nam giới và 29% nữ giới theo lời khuyên này.
Những cuộc nghiên cứu trước đây từng chứng minh rằng hơn 3% bệnh ung thư vú, hơn 5% bệnh ung thư ruột kết và khoảng 4% ung thư tử cung ở Anh năm 2010 liên quan đến những người hoạt động ít hơn 150 phút/tuần.
Sara Hiom, Giám đốc truyền thông của UCUK, giải thích: “Giảm uống rượu và giảm béo là hai cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư vú. Việc tích cực hoạt động rõ ràng đóng vai trò quan trọng mà không phải tốn tiền hay mất thời giờ. Bạn không cần tập luyện như vận động viên Olympic. Chỉ cần bạn làm một công việc gì đó khiến hơi thở hơi dồn dập một chút như làm vườn, làm việc nhà là tốt rồi. Thay đổi thói quen hằng ngày cũng tạo ra sự khác biệt. Ví dụ, thay vì đi thang máy, bạn leo thang bộ hoặc thay vì đi làm hay đi mua sắm bằng xe hơi thì bạn hãy đi bộ”.
T.NGHĨA