Thực hư rễ cây chứa công dụng kì diệu?
Già Hồ Phơi cho biết đã tham gia chữa bệnh giúp người hơn 70 năm nay, chỉ sử dụng những loại cây rừng làm bài thuốc. Tuy chưa từng trải qua bất kì trường lớp đào tạo y học chính quy nào nhưng ông lão tỏ ra khá rành rọt về kiến thức y học bằng kinh nghiệm từng trải.
Một loại rễ cây trong bài thuốc chữa bệnh hư buồng trứng
“Phụ nữ hư buồng trứng biểu hiện ở hơi thở nặng mùi, ra khí hư ở vùng kín, bụng thường xuyên xuất hiện các cơn sôi và đau râm ran. Dễ nhận biết nhất là nước da người mắc bệnh vàng vọt hẳn đi. Cơn đau thường chỉ kéo dài giây lát rồi tạm lắng, nên nếu không chú ý sẽ khó phát hiện ra bệnh”, già làng Hồ Phơi nói.
Cũng theo lời “lang y xứ núi” này, phụ nữ hư buồng trứng không được chữa trị kịp thời về lâu về dài có thể dẫn đến tử vong. Đó là chưa kể đến một loạt hệ luỵ trầm trọng khác như mất khả năng làm mẹ, biến chứng thành ung thư.
Bật mí về cách chữa bệnh hư buồng trứng mà mình đang sở hữu, ông lão Hồ Phơi cho hay bài thuốc gồm bốn loại rễ cây rừng. Vì lí do “bí quyết” nghề nghiệp nên ông khước từ đề nghị nêu tên cụ thể các vị thuốc này. Thế nhưng già làng cũng hé lộ những cây thuốc đó thuộc giống thân leo, thường sinh sống cạnh các cây đại thụ. Đặc điểm nổi bật là cây thuốc có nhiều rễ, rễ cây lâu năm có kích thước lớn bằng cổ tay người lớn. Để tìm được những vị thuốc trên, ông cho hay bản thân mình phải cuốc bộ vào tận rừng sâu giáp đất Lào mới thấy, cả đi lẫn về có khi mất tới ba bốn ngày đường mỗi chuyến đi tìm thuốc.
Phương pháp điều chế và sử dụng thuốc, theo lời già làng Hồ Phơi hướng dẫn khá đơn giản: Đào rễ cây về chẻ nhỏ, đem phơi khô tự nhiên, hoặc sao vàng bằng lửa ngọn. Sau đó bốn loại rễ cây được trộn đều với nhau đun lấy nước cho người bệnh uống mỗi ngày.
“Thông thường chỉ cần uống thuốc trong vòng 7 – 10 ngày sẽ cho tác dụng rõ rệt ngay. Uống nước thuốc liên tục như uống nước chè bình thường, không phải lo lắng xảy ra bất kì tác dụng phụ nào. Tuy nhiên thuốc có vị đắng nên đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, chịu khó nuốt. Ông cha ta nói rồi, thuốc có đắng mới giết được con bệnh (Ý nói “thuốc đăng giã tật” như tục ngữ người dưới xuôi - PV)”, thầy lang Hồ Phơi nở nụ cười hồn hậu.
Ông còn cho biết thêm ngoài bộ phận rễ “quý hơn vàng” thì lá, thân cây đều có công dụng trị bệnh nhưng cho hiệu quả chậm hơn. Điểm nổi bật là sau khi uống thuốc, bệnh sẽ bị “triệt tiêu” dứt điểm, “con bệnh” không còn cơ hội tái phát trong cơ thể bệnh nhân. Cũng giống như nhiều thầy lang chữa bệnh bằng kinh nghiệm dân gian khác, già làng Hồ Phơi không thể lí giải hoạt chất gì chứa trong bốn loại rễ cây rừng lại giúp chữa khỏi bệnh hư buồng trứng ở phụ nữ. Ông suy đoán mấu chốt bài thuốc có thể xuất phát từ vị đắng chát đặc trưng của mớ rễ cây kì diệu kia?
Theo ông lão, điều cần lưu ý đối với bệnh nhân uống thuốc điều trị bệnh hư buồng trứng là cần tuyệt đối kiêng kị thức ăn chế biến từ động vật sống dưới tầng nước sâu hoặc sống trong bùn đất như cá trê, cá quả, ốc, baba, cua. “Nếu vi phạm điều kiêng trên bệnh tình thuyên giảm chậm, thậm chí ăn uống cẩu thả sẽ khiến bệnh nặng hơn. Ngay cả khi bệnh khỏi vẫn nên uống thuốc thêm một thời gian nhằm tiêu diệt dứt điểm mọi mầm bệnh”, già làng đưa ra lời khuyên.
Thầy lang Hồ Phơi
“Thần y” của bản làng
Ở thôn Kỳ Nơi, hàng chục năm nay già làng Hồ Phơi được biết đến là thầy thuốc giúp dân bản thoát khỏi ốm đau. Nói vậy bởi không chỉ nắm giữ bí quyết bài thuốc chữa khỏi bệnh hư buồng trứng, già làng này còn biết rất nhiều bài thuốc dân gian khác trị khỏi những căn bệnh phổ biến như ho lao, sốt rét…
Càng khâm phục hơn khi biết rằng suốt bảy năm giữ chức cán bộ y tế thôn Kỳ Nơi từ năm 1961 đến năm 1968, ông lão đã cứu giúp không biết bao nhiêu trường hợp người bệnh thoát khỏi cái chết. “Ngày ấy kinh tế còn khó khăn, ở trên này do điều kiện y tế càng khó khăn hơn nên dù bệnh nhẹ, nếu không chữa trị kịp thời cũng dễ dẫn đến bệnh nhân tử vong. Hồ Phơi có ơn với dân bản lắm, ông là thần y của chúng tôi”, bà Hồ Tèng, người dân thôn Kỳ Nơi nhận xét.
Gọi thầy lang Hồ Phơi là “thần y” bởi thêm lẽ, đó là ông không bao giờ lấy tiền công chữa bệnh của bất cứ người dân trong bản nào. Đối với người khác thôn, người nơi khác đến, ông cũng chỉ lấy đúng tiền công đi tìm thuốc, thường chỉ vài chục ngàn đồng.
Trở lại với bài thuốc từ rễ cây rừng trị dứt bệnh hư buồng trứng, già làng Hồ Phơi kể lại năm lên 14 tuổi, hai cha con ông tình cờ được một thầy lang chỉ dạy giúp nhằm đáp trả ân nghĩa. Sau khi cha mình qua đời, Hồ Phơi trở thành người duy nhất ở Kỳ Nơi nắm giữ bí mật bài thuốc này. Ấy nhưng không phải vì thế mà thầy lang Hồ Phơi “bóp cổ lấy tiền” người bệnh. Người nơi khác đến chữa bệnh tại nhà ông, chỉ cần làm lễ theo phong tục là mang theo hai cái bát nhỏ (người địa phương còn gọi là cái chén - PV) và 100 ngàn đồng.
Hồ Phơi lí giải đây là tiền công ông thuê xe thồ đi lấy thuốc trong rừng bởi tuổi già không thể cuốc bộ như thời trai trẻ mấy mươi năm trước. Mặt khác cây thuốc chữa hư buồng trứng ngày càng khó kiếm, phải đi xa tìm nên giá thành mới “cao” như vậy. Đối với các trường hợp nghèo khó, Hồ Phơi không những miễn phí hoàn toàn thuốc men mà còn cho ăn ở tại gia điều trị đến khi nào khỏi bệnh thì thôi. “Ăn ở với nhau cần cái bụng tốt là quý nhất. Người vùng cao tuy thiếu ăn, thiếu mặc nhưng trọng tình nghĩa lắm”, ông lão trải lòng.
Nhận xét về đóng góp của già làng Hồ Phơi trong công tác khám chữa bệnh tại địa phương, ông Hồ Văn Chung, Phó chủ tịch UBND xã A Túc nói: “Già Hồ Phơi là một Đảng viên tốt, cựu chiến binh ưu tú luôn đi đầu trong mọi hoạt động chính trị - xã hội. Những năm qua ông đã tham gia chữa bệnh miễn phí giúp người dân trong vùng và thực tế đã cứu chữa thành công nhiều trường hợp bị bệnh”.