Cách phát hiện quan trọng nhất là tự tầm soát ung thư vú. BS Nguyễn Ý Đức (Texas - Hoa Kỳ) cung cấp con số cụ thể: “75% trường hợp ung thư vú được quý bà tự tìm ra, vì họ hiểu rõ tường tận về cơ quan này hơn ai khác. Họ dễ dàng phát hiện những thay đổi trên cặp nhũ hoa: một vài cục nhỏ, một thay đổi méo mó của vú, hoặc có dịch tiết ra từ núm vú”. Vì vậy, nên tập thói quen mỗi tháng, chọn một ngày nhất định để tự kiểm tra. Cách chọn này thuận lợi cho người mãn kinh, riêng người đang độ tuổi sinh đẻ sẽ chọn ngày không hành kinh. Bởi, nồng độ nội tiết tố gia tăng vào lúc hành kinh làm cho bầu ngực căng, đau, nặng nề, làm cho chẩn đoán khó chính xác. Trước khi khám ngực, cần soi gương tìm xem hai bầu ngực có gì khác thường như: da nhăn, thay đổi hình dạng, núm vú tiết dịch… Nếu không có gì thay đổi thì giơ cao tay phải, dùng ba ngón tay trái nắn, xoay tròn và ấn nhẹ tìm khối u (khối u thường nằm bên hông bầu ngực và vùng nách). Sau đó, lặp lại động tác trên với ngực trái. Nếu phát hiện thấy vú có những biểu hiện bất thường ngay khi soi gương, hoặc có cục u, dù nhỏ xíu, cũng phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa.
BS Cao Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nhũ Hoàn Mỹ TP.HCM khuyên phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú. Với những trường hợp trong gia đình có mẹ, chị… bị ung thư vú hoặc thường xuyên tiếp xúc hóa chất nên tầm soát từ sớm.
Có nhiều loại máy móc giúp tìm ra “thủ phạm” ngay từ khi chúng còn rất nhỏ. Cụ thể, siêu âm vú có khả năng tầm soát những thay đổi bất thường bên trong tuyến vú. Song, để xác định rõ ràng thì cần chụp nhũ ảnh. Thời điểm chụp nhũ ảnh tốt nhất là sau khi sạch kinh một tuần. Nếu đặt túi ngực thì cần báo cho bác sĩ biết để có chỉ định chụp hợp lý. Nhũ ảnh có thể chẩn đoán một vài loại ung thư vú sớm hơn khám bình thường từ một đến hai năm. Mặc dù vậy, vẫn có vài trường hợp siêu âm và chụp nhũ ảnh không tìm ra khối u, trong khi tự khám bệnh lại “lần” ra. Vì vậy, không nên chủ quan “tựa” hẳn vào máy móc mà phải quan tâm đến bản thân mỗi tháng. Để phát hiện khối u từ sớm còn có thiết bị hiện đại như máy chụp vi tính cắt lớp (Dedicated Breast MRI 1.5T), vừa chụp vừa sinh thiết chẩn đoán khối u. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật chẩn đoán có chi phí cao, một lần là ba triệu. Nếu làm thêm sinh thiết phải dùng kim xài một lần rồi bỏ, giá cũng hơn ba triệu đồng. Còn xét nghiệm chỉ số ung thư CA 13.5 cũng cho kết quả chính xác và nhanh chóng. Tuy nhiên, xét nghiệm này dùng để theo dõi diễn tiến điều trị thì tốt hơn để phát hiện.
Cát Ân