(tapchigiadinh)- Một số báo nước ngoài đưa tin, ngày 13.6, bộ Y tế Malaysia khuyến cáo người dân không nên mua mì gói Shin Ramyun và Shin Ramen của Hàn Quốc sản xuất tại Đài Loan vì nghi chứa DEHP và DINP; tại Hong Kong cũng phát hiện bốn mẫu mì gói chứa chất tạo đục khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam lo ngại.
Sau nước trái cây, rau câu, xirô, kẹo xốp, nay đến lượt mì gói cũng bị nghi có chứa chất tạo đục gây nguy hại cho sức khoẻ con người.
|
Mì Nissin và Shin đang được ưa chuộng tại Việt Nam. Ảnh chụp ngày 14.6.2011. (Ảnh: Phan Quang) |
Mì gói Shin (Hàn Quốc) và Nissin (Nhật Bản) bị nghi ngờ
Theo thông tin từ The Asia one, ngày 13.6, Bộ Y Tế Malaysia khuyến cáo người dân không nên mua mì gói Shin Ramyun và Shin Ramen vì nghi chứa DEHP và DINP. Đây là sản phẩm Hàn Quốc sản xuất tại Đài Loan. Hiện hàm lượng và nồng độ của hai hóa chất trên chưa được công bố, nhưng bộ Y tế Malaysia đã thu hồi các sản phẩm trên và cho tiến hành kiểm tra chặt chẽ.
Trước đó, ngày 12.6, theo WantChinatimes.com dẫn lại thông tin từ Ming Pao, nhật báo phát hành ở Hong Kong, tại Hong Kong cơ quan chức năng đã lấy mười mẫu mì gói sản xuất tại Trung Quốc và phát hiện bốn mẫu mì gói chứa chất tạo đục, gồm: mì bò được siêu thị Welcome Market đặt sản xuất có chứa DEHP cao gấp 53 lần mức độ an toàn.
Mì gói Shin Ramyun hương vị nấm, sản phẩm Hàn Quốc, được sản xuất tại Thượng Hải, chứa 1,3 phần triệu (ppm) DEHP (tỷ lệ trong giới hạn an toàn nhưng ở mức cao nhất). Mì gói Nissin Taisho Yakisoba, sản phẩm Nhật Bản, sản xuất tại Thượng Hải, chứa hàm lượng 2,3ppm, cao hơn mức an toàn cho phép của WTO (mức 1,5ppm).
Khảo sát trong hai ngày (12 – 13.6) tại các siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart, Big C, Lotte Mart, Maximark… cửa hàng thực phẩm ngoại nhập và các chợ tại TP.HCM cho thấy, mì Shin Hàn Quốc có hai loại: bao bì không có tiếng Việt giá trên 20.000 đồng/gói và loại bao bì có tiếng Việt giá thấp hơn 5.000 đồng/gói. Hiện tại, loại Shin Ramyun vị cay giá khoảng 15.000 đồng/gói được khách hàng mua nhiều hơn.
Bà Nguyễn Lệ Hoa có quầy tại chợ Bà Chiểu chia sẻ: Loại mì gói này tôi bán khá chạy. Có người mỗi tháng mua một thùng về ăn sáng với giá hơn 300.000 đồng/20 gói. Chị Hà Phương Thu (một khách hàng) cho biết, loại mì này vừa dai, sợi tròn, ăn có khẩu vị lạ, vừa cay nồng đặc trưng của xứ kim chi, lại có vị béo nên mình thường mua về cho gia đình ăn sáng.
Mì Nissin với các loại hải sản, vị nấm, vị bò cay… ít phổ biến hơn, nhưng cũng có bán ở các sạp chợ, shop thực phẩm, siêu thị ở khu vực quận 1, quận 3, quận 5, quận 10… Giá mì Nissin khoảng 12.000 – 13.000 đồng/gói.
Cơ quan chức năng lẫn nhà kinh doanh Việt Nam không hay biết
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết: hiện TP.HCM chưa có thông tin cảnh báo của nước ngoài hay của bộ Y tế về loại mì gói có chứa chất DEHP và chất DINP. Do đó, sở Y tế sẽ chờ kết quả kiểm nghiệm chính xác, sau đó mới cập nhật thông tin và xử lý.
Nói về những thực phẩm có nguy cơ nhiễm các chất DEHP và DINP, ông Lê Trường Giang, phó giám đốc sở Y tế cho rằng, hiện nay ngành y tế TP.HCM đã yêu cầu các công ty sản xuất thực phẩm có nguy cơ thôi nhiễm các chất trên tự đi kiểm nghiệm và báo cáo kết quả với sở Y tế, kể cả những sản phẩm nhập khẩu.
Ngày 14.6, TS Nguyễn Công Khẩn, cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) cho biết, các đoàn thanh tra liên ngành của Trung ương và các địa phương tiếp tục thanh, kiểm tra các mặt hàng nghi ngờ nhiễm chất DEHP không những trên thị trường, tại các cơ sở kinh doanh mà còn tại các cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, các đoàn tiếp tục giám sát việc thu hồi các sản phẩm thuộc diện phải thu hồi. Đối với sản phẩm mì Shin Ramyun mà Malaysia đã thu hồi, cục sẽ cho tiến hành kiểm tra ngay, nếu có phát hiện chất DEHP sẽ thông báo rộng rãi và cho thu hồi.
Lệ Hà
|
Ở các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Maximark, Citimart…, cũng như tại các cửa hàng thực phẩm, sạp chợ, cho đến chiều 14.6 vẫn bày bán mì Hàn Quốc và Nhật Bản. Đại diện các siêu thị, chủ cửa hàng, chủ sạp đều nói họ không hề hay biết gì về việc mì gói có thể chứa DEHP.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại hệ thống Big C nói: “Chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức nào từ cơ quan chức năng của Việt Nam. Nghe thông tin từ bên ngoài, chúng tôi đã liên hệ với nhà cung cấp để yêu cầu họ cung cấp cho siêu thị các giấy tờ chứng minh sản phẩm an toàn cho sức khoẻ”. Các hệ thống siêu thị khác cũng chọn cách hành động tương tự.
Điều đáng nói là cho đến thời điểm này, dù Việt Nam đã phát hiện và thu hồi 26 loại sản phẩm chứa chất tạo đục nhiễm DEHP, nhưng những mặt hàng khác có hay không chứa chất này vẫn là ẩn số.
Ông Ngô Văn Hải, phó tổng giám đốc Citimart nói: “Giá mà biết rõ những sản phẩm nào có liên quan đến các chất này thì hay hơn là ngồi chờ như hiện nay”.
Nhiều nhà khoa học cũng như luật sư cho rằng, để nhà kinh doanh nhập khẩu thực phẩm tự đi kiểm nghiệm vô cùng khó, bởi họ nhập khẩu thì sao phải đi kiểm nghiệm. Còn những nhà sản xuất, có thể tự pha chế chất tạo đục công nghiệp vào trong sản phẩm thì không dại gì đi kiểm nghiệm, cách đó chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Vì vậy, việc kiểm tra, kiểm nghiệm phải là công việc của các ngành hữu trách.
Theo Hoàng Nhung – Bích Thuỷ – Mai Hương
SGTT