Nội soi dạ dày khi nào?
Người bệnh cần thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên khi có các triệu chứng: Khó nuốt hay nuốt đau, nuốt nghẹn, nuốt vướng; Đau sau xương ức, cảm giác trào ngược, thường xuyên buồn nôn khi đánh răng; Đau thượng vị, nóng rát thượng vị. Nôn ra máu; Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn, đầy hơi, thiếu máu, thiếu sắt; Ho, viêm họng kéo dài, cảm giác vướng; Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân; Ăn uống chung với người đã bị nhiễm vi khuẩn HP và có một trong những triệu chứng trên.
Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi dạ dày?
Để đảm bảo nội soi được an toàn và có kết quả tốt, bệnh nhân cần phải nhịn ăn uống trước nội soi tối thiểu 6 giờ để tránh sặc thức ăn và bảo đảm cho việc quan sát, đánh giá tổn thương trong quá trình nội soi (nên nội soi dạ dày vào buổi sáng, sau 1 đêm không ăn uống). Khi bị hẹp môn vị, bệnh nhân cần phải nhịn ăn lâu hơn (12 - 24 giờ) hoặc phải đặt ống thông để bơm rửa dạ dày. Không uống nước có màu, sữa, thuốc cản quang… vào buổi sáng ngày nội soi. Ngoài ra, bệnh nhân cần cho bác sĩ nội soi biết các loại thuốc đã dùng gần đây, tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh kèm theo nhằm đảm bảo tính an toàn của thủ thuật nội soi.
Nội soi dạ dày cho bệnh nhân tại Bệnh viện Giao thông vận tải.
Sau khi thực hiện nội soi, nên hạn chế dùng thức ăn cay nóng vì có thể tổn thương niêm mạc miệng mà bạn không nhận biết được do ảnh hưởng của thuốc tê. Không nên khạc nhổ mà chỉ ngậm và súc miệng với ít nước muối pha loãng là đủ. Các triệu chứng có thể gặp sau nội soi như: đau họng, bụng chướng hơi, buồn nôn, bí tiểu... nhưng nó sẽ mất trong vòng 24 giờ.
Ai không nên thực hiện nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày là một thủ thuật khá an toàn. Bệnh nhân thường về nhà ngay sau soi. Biến chứng nặng có thể gặp là thủng ống tiêu hóa, sốc phản vệ nhưng rất hiếm gặp. Nội soi dạ dày không có chống chỉ định tuyệt đối. Vài trường hợp, bác sĩ có thể hoãn soi khi nghi ngờ thủng dạ dày, bỏng do uống acid, suy tim, thiếu máu cơ tim cấp, suy hô hấp hoặc mới ăn no.