Trong những năm gần đây, tỉ lệ người mang sán trưởng thành và ấu trùng sán lợn có chiều hướng tăng lên. Nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh môi trường cũng như việc quản lý giết mổ lợn chưa đảm bảo.
Thạc sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng của Viện Sốt rét Trung ương cho biết, gần đây tháng nào Viện cũng phải tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân mới nhiễm ấu trùng sán lợn. Bệnh nhân chủ yếu ở lứa tuổi trưởng thành, quê ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An và Hà Tĩnh... Trong đó, không ít người nhập viện trong tình trạng động kinh, liệt tứ chi, co giật... Nhiều người thậm chí bị bệnh hàng chục năm, đi điều trị khắp nơi mà không biết bệnh.
|
Giết mổ lợn không đảm bảo vệ sinh cũng là một trong những con đường làm lây truyền bệnh. Ảnh:P.N. |
Hầu như ai cũng biết nguyên nhân dẫn đến nhiễm ấu trùng sán lợn là ăn phải lợn gạo, thịt lợn sống, tiết canh, nem chạo… Tuy nhiên, ngay cả khi không ăn những thực phẩm này cũng mắc bệnh nếu ăn phải thức ăn, nước uống có nhiễm trứng sán dây lợn, tay có trứng sán dây lợn bám bẩn lại đưa lên miệng thì vẫn có thể mắc bệnh. Khi trứng sán vào đường tiêu hóa sẽ phát triển thành ấu trùng sán dưới tác dụng của dịch dạ dầy. Chúng chui qua thành ruột vào vòng tuần hoàn rồi tới cư trú ở các cơ quan trong cơ thể.
Theo thạc sĩ Dũng, triệu chứng của bệnh ấu trùng sán lợn trên não tùy thuộc vào số lượng, vị trí và giai đoạn tiến triển của ấu trùng trong não. Dấu hiệu thường gặp là: đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, liệt... thì cần đi khám ngay vì rất có thể ấu trùng sán đã cư trú vào trong não.
Những dấu hiệu này dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh thần kinh hoặc tai biến mạch máu não nên cần chụp Xquang, cắt lớp CT scanner hoặc cộng hưởng từ. Nếu ấu trùng sán lợn cư trú trong mắt thì có các triệu chứng khác như xuất hiện các u nhỏ bằng hạt lạc dưới da…
Điều trị ấu trùng sán lợn thường mất 2-5 đợt, khoảng 15-20 ngày mỗi đợt và mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày. Nếu được phát hiện sớm bệnh nhân sẽ khỏi hẳn các triệu chứng do ấu trùng sán gây ra, tuy nhiên một số trường hợp có thể để lại hiện tượng các nốt vôi hóa trong não.
Bệnh nguy hiểm ở chỗ, một khi đã xâm nhập vào cơ thể, những ấu trùng này sinh sôi rất nhanh và gây nhiều biến chứng cho người bệnh. Chúng có thể di chuyển đến bất kỳ cơ quan nào, thường tập trung nhiều ở các cơ, mắt và đặc biệt là não, trong hệ thần kinh trung ương.
Thống kê tại khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng Trung ương, từ năm 2000-2004 đã tiếp nhận trên 7.000 trường hợp mắc bệnh ấu trùng sán lợn. Trong số đó có 84% bị tổn thương ở não với các triệu chứng thần kinh gây động kinh, liệt, mù mắt, tăng áp lực sọ, đã có trường hợp tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh để lại di chứng nặng nề cho gia đình và cộng đồng trong khi đó cách phòng bệnh lại rất đơn giản. Mỗi người cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường đất; rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý tốt nguồn phân lợn, bò trong sản xuất và nuôi trồng. Tuyệt đối không ăn thịt lợn gạo, tiết canh, nem thính, nem chạo, thịt lợn tái…
Phương Trang