“Nho mình để quên trong tủ lạnh 3 tháng, lúc mở ra thấy nó vẫn tươi rói, mà đã có mấy lần tủ nhà mình bị ngắt điện để lấy ổ sạc laptop cho bạn”, anh Đức Trung (Ngõ 850 Chùa Láng, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Trung quê Hải Phòng, sống cùng bạn trong một căn nhà thuê tại Hà Nội. Cả hai đều là đàn ông nên ít quan tâm đến chuyện mua sắm và đồ đạc trong tủ lạnh nên chùm nho mới được để trong tủ lạnh lâu đến như vậy. Chùm nho này do mẹ của bạn anh Trung mua tại Cầu Giấy, khi từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm con trai.
|
Chùm nho vẫn tươi sau 3 tháng cất trong tủ lạnh. |
Không chỉ nho, một số loại quả khác như lê, táo, mận... cũng để cả tháng trời mà không hề hỏng, bề ngoài vẫn tươi. Chị Triệu Giang (sinh viên Đại học Mở) cho biết, gần đây chị mua táo về thắp hương và để quên một quả ở góc khuất trên bàn thờ hơn một tháng liền mà táo vẫn tươi, bóng mặc dù thời tiết rất nóng.
“Có những loại hoa quả như táo, lê… hàng tháng trời cũng không hỏng, mặc kệ để trong tủ lạnh hay không tủ lạnh, thậm chí bổ ra kiến còn không dám bâu”, chị Nguyễn Lệ Ngọc (Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ. Kinh nghiệm của chị đối với các loại thực phẩm ăn sống là trích ra một chút rồi quan sát xem kiến có bâu hay không. Nếu để cả ngày mà không con kiến nào thèm động vào thì chị kiên quyết phải loại bỏ đồ ăn đó, do nghi có chất bảo quản độc hại.
Theo bà Thu Giang, quản lý một cửa hàng trái cây trên đường Láng Hạ, Hà Nội, "hạn sử dụng" của hoa quả, trong đó có nho, phổ biến là một tuần kể từ khi mua về.
Bà Giang cho biết, hoa quả nhập khẩu được bảo quản đúng cách thì theo đúng chế độ phải giữ trong môi trường lạnh. Riêng nho có thể bảo quản được 2 tuần kể từ khi hái khỏi cành, cam thì lâu hơn... Từ khâu thu hoạch, vận chuyển đến cửa hàng cũng đã mất một tuần, nên thông thường người dùng chỉ có thể sử dụng nho trong khoảng một tuần kể từ khi mua về nhà. "Hơn nữa, nho cũng là loại quả thân mọng nước, dễ bị thối, bục vỏ", bà Giang chia sẻ.
Trả lời báo giới, TS Nguyễn Văn Phong - Trưởng bộ môn công nghệ sau thu hoạch Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) cho biết, có nhiều loại thuốc bảo quản được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng. Song vì “hiệu quả cao và giá rẻ” người dân vẫn sử dụng thuốc cấm để bảo quản hoa quả như thuốc diệt cỏ.
Theo một chuyên gia khác, việc sử dụng chất bảo quản cấm không phải là hiếm thấy nhưng khó nhận biết bằng mắt thường, phải xét nghiệm để lấy kết quả chính xác. “Việc xét nghiệm mất 3-5 triệu đồng một mẫu, là khó khăn do vấn đề kinh phí”.
Trong TP HCM, chợ hóa chất nổi tiếng là Kim Biên luôn sẵn các loại chất bảo quản giá rẻ, không nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, một người bán hoa quả tại Hà Nội đã giải nghệ cho hay, “chợ chất bảo quản” không phải là ở Đồng Xuân hay Long Biên mà là phố Hàng Buồm ngay trong khu phố cổ.
Những người bán hàng vô lương tâm có “công thức riêng” trong việc bảo quản chất hoa quả. Họ không ngại nâng cao hàm lượng độc chất trong các loại thuốc phun, hay ngâm để kéo dài thời gian tươi của trái cây, mặc kệ tính mạng của người dùng.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành thông tư số 39 quy định chặt chẽ về danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịnh thực vật trước khi vào Việt Nam, trong đó quả tươi. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 27/9.
Ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây, rau quả nhập khẩu vào Việt Nam đúng là "có vấn đề". Mới nhất là 3 mẫu nho, và cả khoai tây đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 3-5 lần. "Tới đây Việt Nam sẽ có nhiều biện pháp để ngăn chặn các loại nông sản độc ngay từ biên giới trước khi được nhập khẩu", ông Trung khẳng định.
Thực tế cho thấy việc kiểm soát chất lượng hoa quả trong nước hoặc hoa quả nhập sau khi đã qua khỏi cửa khẩu và được bày bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ là việc không dễ dàng.
Theo VTC