30 tuổi đã bị thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp được coi là bệnh tuổi già. Theo thời gian, sụn khớp bị bào mòn, dịch tiết ra ít đi khiến khớp vận hành kém và gây đau nhức. Tuy nhiên, những năm gần đây thoái hóa khớp đang có xu hướng trẻ hóa.
Mới 29 tuổi, Thu Phương nhân viên bán hàng tại một shop thời trang ở Quận Thanh Xuân đã bị bệnh thoái hóa khớp hành hạ. Chị Phương kể, năm ngoái chị bị ngã xe tím bầm đầu gối chân phải, khớp tay cũng bị thương. Tưởng va chạm nhẹ sẽ tự khỏi nhưng từ đó tới giờ thi thoảng lúc trái gió trở trời chân chị lại đau nhức, tê mỏi.
Mấy tháng nay, khớp gối thường xuyên bị tê mỏi, cảm giác đau buốt khi vận động mạnh, co duỗi đầu gối cũng khó khăn. Nghe mọi người mách ngâm chân vào nước muối ấm, massage chân chị cũng làm theo, kết hợp cả uống thuốc giảm đau nhưng bệnh không thấy đỡ.
Ảnh minh họa
Chị phải xin nghỉ việc vài ngày đi bệnh viện khám, chị bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối phải.
Tương tự chị Phương, chị Thuận làm biên tập viên cho một website đôi tay thường xuyên tháo tác trên máy tính, thường xuyên ngồi phòng lạnh ít ra ngoài vận động. Thời gian gần đây chị hay đau mỏi khớp vai, khủy tay, gối,… người nhức mỏi ê ẩm. Nghĩ rằng chuyển mùa, thời tiết mưa nắng thất thường vài ngày sẽ khỏi. Vậy nhưng, đã 3 tháng trôi qua cơn đau xuất hiện nhiều và mức độ ngày càng nặng hơn.
Ngờ rằng có bệnh, chị tìm đến bác sĩ cầu cứu thì nhận được kết quả bị thoái hóa khớp vai, cổ tay. Chị Thuận hết sức ngạc nhiên vì chị mới 30 tuổi lại chưa từng có chấn thương các khớp đó. Bác sĩ giải thích, nguyên nhân dẫn đến khớp thoái hóa trong trường hợp này có thể là do lười vận động hoặc khớp tay hoạt động quá nhiều ở một tư thế.
Bệnh khớp đang trẻ hóa
Trong cuộc sống hiện đại, làm việc có máy móc, phương tiện hỗ trợ nên các bạn trẻ ít vận động hơn. Việc lười vận động không chỉ khiến khớp mà mức độ lão hóa của nhiều bộ phẩn khác trên cở thể cũng sẽ diễn ra sớm hơn.
Tiến sĩ Đoàn Văn Đệ, Phó chủ tịch hội thấp khớp học Việt Nam cho biết, thông thường, thoái hóa khớp thường xuất hiện ở những người ở độ tuổi 45- 50 tuổi do khớp bị lão hóa theo thời gian. Nhưng hiện nay thoái hóa khớp không còn là bệnh của người già nữa, rất nhiều người ở độ tuổi 30- 35 mắc căn bệnh này, số lượng người trẻ mắc bệnh khớp đang ngày càng tăng.
Thoái hóa khớp thực chất là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn không đuổi kịp việc lớp sụn ở khớp bị mất đi theo thời gian. Về lâu dài, lớp sụn khớp phủ trên bề mặt xương dần bị mỏng đi và hư tổn, gây đau nhức, hạn chế vận động, bệnh nhân thậm chí có thể bị tàn phế.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân dẫn đến thoái háo khớp chủ yếu do quá trình lão hóa cơ thể, ở người trẻ thường do người bệnh giữ một tư thế, hành động lặp đi lặp lại, mang vác nặng, trấn thương khớp,… Hầu hết các khớp đều có thể bị thoái hóa nhưng thường phổ biến tại các chi và cột sống. Trong đó thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì khớp này luôn phải chịu căng để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.
Bệnh lý xương khớp gây khó khăn trong vận động và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, do đó điều trị và phòng ngừa bệnh xương khớp là việc làm hết sức cần thiết.
Theo tiến sẽ Đệ thì khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên bệnh nhân thoái hóa khớp nên đến bác sĩ khám và tư vấn có những biện pháp điều trị phù hợp. Đối với bệnh nhẹ, phương pháp vật lý trị liệu còn bệnh nặng có thể phải sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau theo chỉ định. Tuyệt đối bệnh nhân không nên không tự ý sử dụng các thuốc giảm đau.
Rất nhiều người chủ quan thấy đau là tự ý mua thuốc giảm đau về uống. Các loại thuốc giảm đau có thể cắt cơn đau tức thì nhưng thực tế hậu quả nặng nề hơn.
Tiến sĩ Đệ cho biết, cách phòng và điều trị bệnh tốt nhất là thân người bệnh cần có chế độ kiểm soát cân nặng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý, chế độ dinh dưỡng khoa học.