"Đang có kinh nguyệt thì không được nhổ răng"
Đó là câu trả lời của bác sĩ khi chị Đỗ Quyên (Tây Hồ, Hà Nội) đến khám răng tại một phòng khám nha khoa. Không hài lòng với câu trả lời của bác sĩ, chị Quyên đến một vài phòng khám khác nhưng ở đâu chị cũng nhận được lời khuyên: Nên chờ sau khi kết thúc thời kì "đèn đỏ" mới nên xử lý chuyện răng miệng.
Từ một năm trở lại đây, thỉnh thoảng chị Quyên lại bị đau răng, thậm chí có hôm cơn đau nhức răng khiến chị không thể ngủ được. Những lần đau trước chị không để ý nhưng về sau chị nhận ra rằng, chị thường bị đau răng trong những ngày có kinh nguyệt, mà chiếc răng bị đau chính là răng sâu từ trước.
Cho tới khi không thể chịu đựng nổi tình trạng bị các cơn đau hành hạ, chị quyết tâm đi nhổ cái răng đó lúc nó đang khiến chị đau buốt. Nhưng các phòng khám nha khoa đều từ chối đề nghị được nhổ răng của chị.
Không nên nhổ răng khi đang có kinh nguyệt. Ảnh minh họa
Kinh nguyệt và vấn đề răng miệng
Có thể bạn thấy kì lạ nhưng thực tế, chuyện kinh nguyệt lại có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe răng miệng của bạn. Khi chị em có "đèn đỏ" tức là lúc lượng hormone sinh dục thay đổi theo chu kỳ hàng tháng. Sự thay đổi này cũng không giống nhau mỗi tháng nên nó có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung của chị em. Đây cũng chính là lý do tại sao chị em lại có nguy cơ cao về các vấn đề tim mạch, răng miệng, xương khớp... hơn so với nam giới.
Khi các hormone sinh dục thay đổi trong những ngày "đèn đỏ", sự cân bằng nội tiết tố cũng thay đổi theo, trong đó bao gồm cả estrogen. Theo các chuyên gia sức khỏe, mô nướu là nơi tập trung nhiều thụ thể estrogen. Khi nội tiết tố trong cơ thể thay đổi, estrogen ở nướu răng cũng thay đổi theo, từ đó dễ dẫn đến các vấn đề về răng miệng.
Trước ngày kinh nguyệt, nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen trong cơ thể bạn sẽ tăng cao, có thể gây sưng và viêm nướu. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc khám và chẩn đoán bệnh răng miệng của các bác sĩ nha khoa. Các bác sĩ thường từ chối thực hiện các hoạt động can thiệp vào răng miệng như mài răng, nhổ răng, khoan răng... trong thời kì người phụ nữ có kinh nguyệt là bởi vì nếu thực hiện các hoạt động này, sự đau đớn sẽ tăng lên nhiều lần so với bình thường, vết thương có thể bị viêm, chảy nhiều máu... bởi lúc này các nướu răng bị sưng sẽ rất nhạy cảm.
Nên chăm sóc răng miệng cẩn thận, nhất là trong những ngày "đèn đỏ". Ảnh minh họa
Nếu nhổ răng khi đang có kinh nguyệt, mùi tanh của máu sẽ ảnh hưởng trong thời gian khá dài, ảnh hưởng tới ăn uống của bạn. Điều này có tác động tới việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể trong thời gian có kinh. Ngoài ra, trong thời gian kinh nguyệt, màng tử cung cho ra khá nhiều chất kích hoạt tổ chức màng, biến fibrinolysin có tác dụng chống đông máu, đồng thời, cũng làm giảm số tiểu cầu trong cơ thể. Do vậy khả năng đông máu của cơ thể sẽ kém đi khiến cho việc cầm máu mất nhiều thời gian.
Nếu bạn đang bị sẵn các bệnh răng miệng thì nguy cơ bệnh trở nên nghiêm trọng hơn trong những ngày "đèn đỏ" là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Các triệu chứng viêm nướu có xu hướng tệ hơn trong khoảng từ 2 ngày trước kỳ kinh. Thời kỳ có kinh nguyệt thường gây tăng tiết nước bọt nên dễ khiến bạn bị viêm tuyến nước bọt và có thể dẫn tới chốc mép, viêm niêm mạc miệng, có mụn herpes ở mép, viêm lợi...
Vào những ngày chu kì kinh nguyệt chuẩn bị dứt hẳn hoặc vừa dứt, hàm lượng hormone estrogen giảm, thậm chí thấp hẳn đi. Tại thời điểm này, nướu răng ít nhạy cảm nhất. Vì vậy, nếu bạn muốn khám, chữa răng thì nên thực hiện vào những ngày này.
Trong thời gian rụng trứng, sự cân bằng nội tiết cũng không ổn định, hormone sinh dục cũng tăng lên, do đó, việc chữa răng cũng không thuận lợi.
Để xử lý các bệnh liên quan đến răng miệng thì thời gian vừa kết thúc kinh nguyệt hoặc trước đó 1-2 ngày sẽ là thời điểm tốt nhất. Việc chăm sóc răng là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong những ngày này. Bạn nên chăm chỉ đánh răng 2 lần mỗi ngày và làm sạch răng sau khi ăn để răng và nướu luôn khỏe mạnh.