Anh Minh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, anh bị ngứa nhiều về đêm, khắp cả chân tay, mình, đầu và mặt. Lúc đầu chỉ nổi những nốt li ti, tiếp đến là chuyển sang thành những mảng dày lớn như bị sưng, phù.
Tuy nhiên, khi gãi thì càng gãi bề mặt ngứa càng lan rộng. Uống thuốc chống dị ứng thì không ngứa nhưng anh lại cảm thấy thường xuyên buồn ngủ, người uể oải, không tỉnh táo. Nếu không uống thì cơn ngứa lại trở lại.
Thực tế, triệu chứng bệnh như anh Đức không hiếm. Thống kê cho thấy, cứ 100 người thì có từ 15 đến 20 người bị nổi mề đay và khả năng tái phát bệnh này nhiều lần trong đời. Phụ nữ dễ nổi mề đay hơn nam giới và độ tuổi mắc bệnh thường từ 20 đến 40 tuổi.
Nguyên nhân và triệu chứng bệnh mề đay
Mề đay cấp tính xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, hay gặp ở người trẻ và nguyên nhân thường là do dị ứng thức ăn hoặc thuốc. Trường hợp nặng, người nổi mề đay cấp tính có thể bị choáng váng, ngất xỉu do huyết áp xuống thấp.
Mề đay mạn tính là một bệnh lý khá phức tạp với rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau chứ không phải chỉ do ký sinh trùng, thức ăn hay thời tiết. Nguyên nhân gây bệnh có thể còn do thuốc, kháng nguyên hô hấp (phấn hoa, bụi, men mốc…), mày đay do bệnh nội tiết…
Mề đay thông thường bắt đầu đột ngột, nổi nhanh ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng lan rộng khắp người. Ảnh minh họa.
Mề đay thông thường bắt đầu đột ngột, nổi nhanh ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng lan rộng khắp người. Sau vài phút hay vài giờ thì mề đay lặn mất, không để lại dấu vết. Phát ban có thể lặn ở chỗ này và nổi ở chỗ khác.
Da vẽ nổi còn gọi là mề đay giả. Nếu dùng một vật đầu tù cà nhẹ lên da, vài phút sau trên mặt da sẽ nổi gồ lên một vệt màu hồng. Có thể đi kèm nổi mày đay.
Phù mạch (còn gọi là phù quincke): Nổi ban đột ngột làm sưng to cả một vùng (mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài, niêm mạc), cho cảm giác căng nhiều hơn ngứa, có thể kèm theo nổi mề đay. Nếu phù ở lưỡi, thanh quản, hầu sẽ gây suy hô hấp, phải xử trí cấp cứu.
Những dạng khác như sẩn nhỏ, sẩn mụn nước hay xuất huyết. Mề đay hay phù Quincke có thể đi kèm với những triệu chứng toàn thân như sốt, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu và nặng nhất là trụy tim mạch (sốc phản vệ) cần phải xử trí cấp cứu.
Cách chữa trị mề đay
Cách xác định nguyên nhân mề đay cấp tính:
Trước tiên cần xác định nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ nguyên nhân gây ra.
Ngoài việc kiêng gió lạnh, kiêng nước, người bị bệnh dị ứng, mề đay, sẩn ngứa da phải tuân thủ theo chế độ ăn như sau:
Trong giai đoạn cấp tính, cần giảm ăn đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn (dị ứng). Còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên. Kiêng những thức ăn gây kích thích như: rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu, ớt. Trường hợp đang phù nề, rịn nước thì giảm thức ăn có nhiều nước như: canh, súp; uống ít nước. Kiêng những thức ăn có nhiều đạm: tôm, cua, bò, gà, đồ hộp, lạp xưởng, chocolate, trứng, sữa... Nên ăn chế độ có nhiều vitamin A, B, C; ăn các thức dễ tiêu, có tác dụng chống táo bón như: cà chua, cam, chanh, khoai lang, mướp đắng...
Cách phát hiện nguyên nhân trong thực phẩm ở người bị dị ứng nổi mề đay mãn tính lẫn cấp tính, bằng chế độ ăn loại trừ. Ảnh minh họa.
Cách phát hiện nguyên nhân trong thực phẩm ở người bị dị ứng nổi mề đay mãn tính lẫn cấp tính, bằng chế độ ăn loại trừ: Bắt đầu ăn trong 3 tuần chỉ gồm các loại không có chất dị ứng như: gạo, khoai tây, cà rốt, các loại đậu, bí, bầu, thịt trừu, thịt bò, cữ rượu. Có thể uống trà, cà phê nhưng không có sữa. Nếu dị ứng mề đay không xuất hiện thì ta bắt đầu ăn thêm từng món nghi ngờ. Ăn đến món nào thấy mề đay nổi lên thì đó là nguyên nhân gây bệnh phải tránh sau này và cứ như thế tiếp tục. Đối với trẻ em, cần ăn chế độ giảm đường, sữa bò đặc, lòng trắng trứng...
Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm (một phần giấm hai phần nước), Mentol 1%, dung dịch Calamine để thoa hay tắm. Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin (phenergan) thoa vì dễ gây viêm da dị ứng. Mỡ corticoides ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ (nhất là khi thoa trên diện tích quá lớn).
Đối với mề đay mãn tính: Do thường có liên quan đến các bệnh lý nội khoa nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám bệnh, thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.