Ngủ ít hơn và làm việc nhiều hơn?
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Công, chuyên khoa thần kinh (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y Dược TP.HCM), thiếu ngủ ảnh hưởng tới khả năng làm việc trí óc nói riêng và tới sức khỏe nói chung. Mất ngủ kéo dài sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Ngược lại, ngủ quá nhiều cũng có khả năng chết sớm hơn bình thường.
Giấc ngủ là một trạng thái tự nhiên của con người, lặp lại theo chu kỳ sinh học. Khi trời tối, não tiết ra một chất gọi là melatonin, gây buồn ngủ. Khi ngủ, cơ thể giảm các hoạt động cơ bắp và giảm tiếp nhận các cảm giác. Một người trưởng thành bình thường nên ngủ đều đặn mỗi ngày bảy tiếng.
TS Công cho biết: “Về phương diện y học, giấc ngủ bình thường là ngủ đúng giờ, có đủ thời gian cho nồng độ melatonin trong máu đạt mức cao nhất, và nhiệt độ cơ thể đạt tới mức thấp nhất. Khoảng thời gian tối thiểu là sáu giờ. Tổng thời gian để ngủ bình thường rất khác nhau tùy từng người và từng lứa tuổi. Quan niệm ngủ ít hơn và làm việc nhiều hơn là sai lầm”.
Người bình thường, mỗi tối ngủ khoảng từ sáu-bảy giờ là vừa đủ. Trẻ sơ sinh ngủ trên 18 giờ mỗi ngày; dưới 12 tháng, ngủ trên 14 giờ mỗi ngày; dưới ba tuổi ngủ trên 12 giờ mỗi ngày; dưới năm tuổi, ngủ trên 11 giờ mỗi ngày; dưới 12 tuổi, ngủ trên chín giờ mỗi ngày; thanh thiếu niên, ngủ chín-mười giờ mỗi ngày; người trung niên và người già, ngủ bảy-tám giờ mỗi ngày. Riêng phụ nữ có thai có thể cần ngủ nhiều hơn bình thường.
80% rối loạn giấc ngủ
Mặc dù giấc ngủ cần cho hoạt động bình thường, nhưng các chuyên gia thần kinh học cho biết, hàng triệu người ở mọi lứa tuổi thường không có giấc ngủ đêm tốt, khoảng hơn 80% rối loạn thức và ngủ làm giảm chất lượng cuộc sống.
Những rối loạn thường gặp nhất là mất ngủ nguyên phát. Bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ, hay khó duy trì giấc ngủ, hoặc cả hai trường hợp, mà không tìm được căn nguyên. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc an thần và một số loại thuốc ngủ khác. Tiếp đến là chứng nghiến răng khi ngủ: nghiến răng kèn kẹt, hoặc cắn chặt hàm quá mức khi đang ngủ, không chủ ý. Những bệnh nhân mất ngủ do nghiến răng cần được điều trị bằng thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng để tạo giấc ngủ ngon, làm dụng cụ (splint) bảo vệ răng. Ngoài ra, các bác sĩ còn tiếp nhận không ít bệnh nhân bị chứng ngủ rũ hay chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày (narcolepsy). Những bệnh nhân này cần điều trị bằng một số thuốc kích thích thần kinh.
Một dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp ở trẻ em ba-tám tuổi, hiếm khi ở người lớn, là chứng kinh hoàng ban đêm (night terror hay pavor noctunus). Trẻ đang ngủ đột ngột thức giấc, với những biểu hiện hành vi như đang khiếp sợ, có thể kêu thét, mất định hướng. Trẻ thường không nhớ những gì diễn ra trong giai đoạn này. Nhiều người hay nói là trẻ bị ác mộng. Việc điều trị những trường hợp trên thường không cần dùng thuốc, chủ yếu giải quyết stress. Có nhà khoa học khuyên nên canh giờ để đánh thức trẻ khoảng 15 phút trước khi xảy ra cơn kinh hoàng đó, thức khoảng bốn - năm phút rồi cho ngủ lại. Ở trẻ bị nặng, hoặc ở người lớn, có thể điều trị bằng thuốc. Khi đang bị kinh hoàng ban đêm, đừng cố đánh thức bệnh nhân mà hãy vỗ về nhẹ nhàng.
Một dạng rối loạn khác thường gặp ở trẻ là chứng tiểu dầm: tiểu trong khi vẫn đang ngủ. Ở trẻ khỏe mạnh, tiểu dầm thấy ở khoảng 15-20% trẻ năm tuổi, 7% trẻ bảy tuổi, 5% trẻ 10 tuổi, 2% trẻ 12-14 tuổi và 1-2% trẻ 15 tuổi. Trẻ nam hay bị hơn nữ và con đầu hay bị hơn con thứ. Điều trị bằng cách cho trẻ tập đi tiểu, không uống quá nhiều nước trước khi ngủ, và canh giờ để đánh thức trước khi có thể tiểu dầm. Cha mẹ tránh la mắng dễ gây tổn thương tâm lý cho trẻ. Đa phần tiểu dầm sẽ hết theo thời gian, có khoảng 1% vẫn sẽ bị tiểu dầm khi đã là người lớn. Tiểu dầm ở người lớn là do thiếu hormone chống lợi niệu trong khi ngủ, có thể dùng thuốc để điều trị.
theo phunuonline.