Nhiều khả năng cụ bà Trần Thị Tư đã đột tử vì thời tiết lạnh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá kéo dài tác động xấu đến sức khỏe của người già, trong đó, thường gặp nhất là suy tim, đột quỵ, viêm phổi, suy nhược. Cái chết cô độc trong giá lạnh không phải là chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới, những câu chuyện tương tự luôn khiến mọi người chạnh lòng.
Ở các quốc gia phát triển, việc người già sống riêng một mình, không có con cháu ở cùng là bình thường. Thế nhưng, những năm gần đây, tình trạng người già qua đời dưới mái nhà lạnh lẽo lại trở thành vấn đề xã hội được quan tâm. Nó tương phản một cách nhức nhối với thực tế, người ta dễ dàng kết nối với những người xa lạ trong khi lại quá hờ hững với người thân.
Thống kê mới nhất do tổ chức xã hội Age UK công bố, trung bình có khoảng 25.000 người già ở Anh và xứ Wales đã qua đời vì không chịu nổi mùa đông lạnh giá; có đến 206 người già chết mỗi ngày, nghĩa là cứ bảy phút thì một người già thiệt mạng. Đỉnh điểm là mùa đông năm 2012-2013, có 33.000 người, đa số là người già, đã tử vong. Nỗi ám ảnh thường trực của các cụ là hóa đơn thanh toán hơi đốt và lò sưởi. Chi phí giữ ấm trong những ngày này là mối lo lớn nhất của hơn năm triệu người già (hơn 80% sống một mình) tại Anh.
Tình nguyện viên của United Utilities mời cụ già đến nhà dùng trà chiều để tránh cái lạnh khi thiếu điều kiện dùng lò sưởi - ẢNH: RUNCORNANDWIDNESWORLD.COM
Ông William Brehaut (76 tuổi) sống ở Anh chia sẻ, với khoản lương hưu khiêm tốn của mình, năm ngoái, ông đã phải chịu cảnh rét thấu xương do bị cúp nguồn cung hơi đốt để sưởi ấm khi chi phí vượt quá khả năng chi trả của ông. Để khắc phục và giảm thiểu số người già tử vong vì giá lạnh, chính quyền Anh có những biện pháp kịp thời. Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt cho biết sẽ trích ngân sách 30 triệu USD chăm lo cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhất, giúp họ vượt qua… thêm một mùa đông đơn độc và rét buốt nữa.
Chính quyền Anh cũng khuyến cáo người già nên mở rộng giao thiệp với những người sống chung quanh, vì không gì đáng sợ bằng phải sống trong ốc đảo riêng biệt, không có người thân và cũng chẳng có ai bên cạnh để nhờ giúp đỡ. Age UK kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp thức ăn nóng, vật dụng giữ ấm để tổ chức này chuyển đến những cụ già neo đơn. Nhiều tổ chức của Anh cũng kêu gọi cộng đồng nỗ lực dành tặng những ngày ấm áp cho các cụ già. United Utilities là một trong những tổ chức hoạt động hiệu quả khi tạo ra các buổi họp mặt trà chiều tại nhà tình nguyện viên, bố trí chỗ ngủ trong ngôi nhà được sưởi ấm đầy đủ để khách mời là những người già yên tâm qua đêm.
Thời tiết lạnh giá không chỉ tấn công người già vốn có lối sống độc lập ở phương Tây mà còn “gõ cửa” châu Á, vốn nổi tiếng với truyền thống tam đại đồng đường. Chỉ trong mùa đông năm nay, các phương tiện truyền thông Trung Quốc không thiếu những câu chuyện thương tâm về cái chết âm thầm của người già. Một trong những câu chuyện được nhiều người đồng cảm là cảnh ngộ của một gia đình ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Cụ ông 73 tuổi cùng người vợ 66 tuổi đã lặng lẽ lìa đời, không kịp nói lời từ biệt với con trai đang đi làm ăn xa. Ba tuần sau khi mất liên lạc với bố mẹ, anh Chen tức tốc quay về nhà nhưng đã quá muộn!
Chính sách con một được áp dụng từ ba thập niên trước ở Trung Quốc đã tạo ra một thế hệ người già đơn độc. Thời điểm con cái của họ trưởng thành, làm ăn xa hoặc lập gia đình riêng cũng là lúc họ rơi vào tình trạng thiếu người chăm sóc. Đến cuối năm 2014, Trung Quốc có 200 triệu người trên 60 tuổi. Các trung tâm dưỡng lão chỉ có 400.000 suất giường nằm cho người già, trung bình mỗi cụ phải đợi đến 10 năm sau khi đăng ký mới có một suất. Chính quyền Trung Quốc phải thừa nhận, hiện tượng người già qua đời trong lặng lẽ không chỉ là nỗi ray rứt của người thân mà còn là điều đáng tiếc cho cả xã hội. Nó đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của cộng đồng và gia đình đến đâu trong những quan hệ hết sức mật thiết này?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, thời tiết lạnh giá là nguyên nhân khiến nhiều người, nhất là người già tử vong. Thế nhưng, khi so sánh trong khu vực thì giá lạnh ở Anh không hẳn lạnh hơn ở Phần Lan và Na Uy. Vì sao tỷ lệ người già chết lại cao hơn? WHO cho rằng, nguyên do còn nằm ở chính sách xã hội. Vì vậy, trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe người già, dù ở bất cứ đâu cũng cần có một kế hoạch lâu dài và bền vững về an sinh xã hội để người già không phải chống chọi với giá rét một cách lặng lẽ và cô độc.
Lại nghĩ, chính sách xã hội là cần thiết nhưng trên hết, dù là người già hay bất cứ ai cũng không muốn sống trong cảnh lạnh giá của cả thời tiết lẫn tình người. Một cử chỉ quan tâm, một chút thời gian níu lại của những thành viên trong gia đình hay tấm lòng giữa người với người hẳn sẽ giúp các cụ thoát được những khoảnh khắc sinh tử cô độc.
(Theo China Daily, Express, runcornandwidnesworld.com)