Bác sĩ Đặng Thị Nga - phòng khám quốc tế Ánh Nga, TP. HCM, chuyên khoa ký sinh trùng tư vấn:
- Theo như những gì bạn kể thì rất có thể bạn bị bệnh sán dây. Ở Việt Nam, sán dây bò thường gặp hơn sán dây lợn (sán dây bò 78%, sán dây lợn 22%). Người mắc bệnh do thói quen thích ăn thịt bò tái. Vùng đồng bằng mắc bệnh cao hơn miền núi, tỷ lệ khoảng 1-4%.
Đốt sán già sau khi rời khỏi thân sán có khả năng di động tự bò ra hậu môn hoặc theo phân để phát tán ra ngoại cảnh. Trứng không đòi hỏi thời gian phát triển ở ngoại cảnh. Những đốt sán già tự động đứt ra khỏi thân, chủ động bò ra ngoài hậu môn, rồi bò vào quần áo, giường chiếu. Bệnh nhân thường dễ biết mình bị mắc bệnh vì nhìn và phát hiện được. Các đốt sán rụng ra thành những đốt riêng biệt, chuyển động nhờ những cơ rất khỏe nên nó có thể bò lên bụng, nách bệnh nhân hoặc khắp giường chiếu. Mỗi ngày thân sán có thể mọc dài ra từ 3 đến 28 đốt.
|
Sán dây bò sau điều trị sổ sán bắt nguyên con - Ảnh bác sĩ cung cấp. |
Khi điều trị không triệt để từ một đốt sau 3 tháng phát triển thành sán trưởng thành dài từ 4-12 mét. Sán dây bò có thể sống trong cơ thể người từ 20-30 năm. Thông thường một người chỉ có một cá thể sán ký sinh.
Về vấn đề điều trị, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa ký sinh trùng để được xét nghiệm, tư vấn. Các bác sĩ có thể điều trị sán dây cho bệnh nhân bằng phương pháp sổ sán bắt nguyên con, kiểm tra đủ 3 thành phần gồm đầu, cổ và đốt thì mới kết luận khỏi bệnh. Việc điều trị tiến hành trong ngày, an toàn, tiết kiệm thời gian, kinh tế cho bệnh nhân, đem lại hiệu quả triệt để.