Trường hợp cháu Nhật Minh ở Đống Đa, Hà Nội mới 4 tuổi đã bị cận thị. Chị Nga, mẹ cháu Minh cho biết: “Khi xem tivi, cháu thường xuyên nheo mắt. Cứ buổi tối là cháu không chịu ra ngoài vì không nhìn thấy gì, hơn nữa tôi thấy cháu hay lấy tay dụi mắt thường xuyên. Thấy con có biểu hiện lạ nên tôi cho đi khám”.
Chị Nga cho rằng, con bị cận thị là do mình không quán triệt thời gian xem tivi cho con. Chị nói: “3 tháng nghỉ hè, Minh suốt ngày xem hoạt hình, hết kênh này đến kênh khác, có hôm cháu xem từ 8h sáng đến 4h chiều. Mẹ đi làm, cháu ở nhà với cô giúp việc nên cô không ép cháu tắt tivi”.
BS khám sàng lọc cận thị cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Trường hợp bé Hà Linh 9 tuổi bị cận thị từ nhỏ, mỗi năm kính của cháu Hà Linh lại tăng lên nửa số. Chị An, mẹ cháu Linh cho biết, Linh bị cận thị có thể là do di truyền: bà ngoại , ông nội, mẹ bị cận..nên bé cũng bị cận từ lớp 1. “Khi tôi biết bé bị cận thì tôi buồn lắm. Đời mẹ đã khổ vì lúc nào cũng phải đeo kính nay lại đến con, mà là con gái chứ.”Chị An buồn bã nói.
Theo ThS.BS Đinh Thị Kim Ánh, Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương: “Trẻ bị cận có nhiều nguyên nhân, có thể do di truyền. Nếu trẻ có thời gian hoạt động trong nhà nhiều như xem tivi, chơi game thì có nhiều nguy cơ bị cận thị cao”.
Cha mẹ nên lưu ý những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị tật khúc xạ như: cầm sách gần mắt, ngồi gần bảng hoặc tivi, chép bài của bạn bên cạnh, không tập trung, hoạt động kém. Khi đọc trẻ thường bỏ sót những câu chữ, kêu nhức đầu hoặc mỏi mắt khi đọc sách trong thời gian dài.
Lý giải những thắc mắc của các bà mẹ rằng liệu cận thị có được chữa khỏi, BS Ánh khẳng định: “Hiện nay chưa thể chữa khỏi cận thị ở trẻ em. Vì thế một trong những cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa cận thị hoặc để làm giảm sự tiến triển cận thị là trẻ nên có thói quen chăm sóc mắt tốt”.
BS Ánh khuyến cáo, cha mẹ nên điều chỉnh khoảng cách nhìn sách, vở của trẻ, mắt trẻ nên được nghỉ ngơi thường xuyên, tăng cường các hoạt động ngoài trời, tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ nhãn khoa, đeo kính đúng số, khám mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt là việc làm cần thiết đối với những em mắc tật khúc xạ.
Các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu lạ về mắt nên cho trẻ khi khám sớm ở các chuyên khoa mắt để được điều chỉnh kịp thời. Khi trẻ đã bị các tật khúc xạ về mắt phải đeo kính đúng số, tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa mắt và tái khám định kỳ 3 tháng một lần.
Cách chăm sóc trẻ bị cận thị
- Cầm vật để nhìn gần cách mắt ít nhất 30cm, và ngồi đọc chứ không nên nằm đọc. - Xem ti vi ở khoảng cách ít nhất 2m. - Màn hình máy tính cách mắt ít nhất 50cm và điều chỉnh độ lóe thấp nhất. - Ánh sáng phòng cần được đảm bảo đủ để đọc, dùng máy tính hoặc xem ti vi tuy nhiên không được gây chói mắt. - Khuyến khích trẻ nên nghỉ ngơi mắt sau khi đọc sách hoặc xem ti vi sau mỗi 30-40 phút; nhìn xa ra ngoài cửa sổ và tập những bài tập thư giãn cho mắt. - Khuyến khích trẻ hoạt động ngoài trời nhiều hơn.
(ThS.BS Đinh Thị Kim Ánh, Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương) |