Nhiều người nói vui với nhau rằng: “Đó là hàng bánh Trung thu ở Hà Nội khiến các "đại gia" kinh doanh bánh khác phải thèm thuồng". Câu nói đó không hẳn không có căn cứ, bởi cứ đến dịp Trung Thu này, hàng bánh cổ truyền trên đường Thụy Khuê lại được dịp “đông như trẩy hội” trong khi những cửa hàng bán bánh khác đìu hiu, ít khách.
Cho đến thời điểm này, khi thị trường bánh Trung thu phải chật vật để thoát cảnh bão hòa, bánh Trung thu trên phố Thụy Khuê vẫn có vị trí đặc biệt trong lòng người tiêu dùng. 2 tuần nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng nhiều người vẫn chọn thời điểm này để mua bánh tại đây, bởi vì: “Mua bây giờ hãy còn vắng, chứ chờ vài ngày nữa lại đông như kiến, xếp hàng chen lấn bẹp ruột, hai nữa là hôm nay là ngày mùng 1, tôi quyết định đi mua mấy hộp bánh về thắp hương”, chị Bích Thủy (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) chia sẻ.
Ngay từ sáng sớm mùng 1, tiệm bánh Trung thu trên phố Thụy Khuê đã chật cứng người mua
Vào thời điểm này, nhóm phóng viên ghi nhận cửa tiệm bánh Trung thu Bảo Phương bắt đầu đông người tới mua bánh so với các hàng bánh truyền thống khác trên phố Hàng Điếu, các hàng bánh phố Hàng Đường, hàng Đào, Hàng Ngang thì bánh tại đây vẫn chiếm một lượng khách đáng kể.
Một trong những lý do mà thực khách chọn sản phẩm của cửa hàng này đó là rất nhiều người lại thích hương vị truyền thống của Bánh Trung thu làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Bánh Trung thu của các công ty sản xuất hàng loạt có bao bì bắt mắt, nhiều điểm nhấn và ngày càng hướng đến tính sang trọng thì bao bì đóng gói của cửa hàng bánh truyền thống này được làm khá “thô sơ” và theo sự nhận xét của người tiêu dùng thì đó mới là nét truyền thống mà họ cần.
Người dân vẫn ưa chuộng mua bánh cổ truyền dù bao bì thô sơ, không sang trọng
Sáng nay, anh Thiện (Hoàng Mai, Hà Nội) dậy từ sáng sớm và 7 giờ sáng đã có mặt tại đây. Phải tới hơn 8 giờ mới đến lượt anh mua bánh. Anh vui vẻ chia sẻ: “Hôm nay ngày mùng 1, thời tiết quá đẹp, nắng nhưng có gió, tôi đứng xếp hàng một chút cũng không sao. Tôi tới mua 2 hộp bánh để biếu ông bà nội ngoại hai bên thắp hương gia tiên và đương nhiên sát ngày Trung thu tôi cũng sẽ tới đây tiếp để mua bánh cho con trẻ liên hoan, phá cỗ”.
Giá bánh dẻo và bánh nướng tại đây không hề rẻ hơn, mẫu mã không hề bắt mắt hơn những loại bánh trung thu có thương hiệu khác nhưng dường như không lúc nào tiêm bánh này thôi ít khách. Giá bánh dao động từ 40.000 đồng – 80.000 đồng/chiếc, khoảng 200.000 đồng/hộp 4 chiếc.
Nhiều thực khách bày tỏ, họ thích thú với những tên gọi bánh mà cửa hàng đặt, ví dụ như Thập cẩm Gà quay cổ xưa 80.000 đồng/bánh, Thập cẩm cổ xưa (giăm bông hạt dưa) 65.000 đồng/bánh, Thập cẩm cổ xưa (giăm bông trứng muối) 60.000 đồng/bánh, bánh đậu xanh trứng 50.000 đồng, bánh thập cẩm lá chanh lạp xường có giá 50.000 đồng/chiếc, bánh thập cẩm lạp sườn hạt sen lá chanh có giá 45.000 đồng/chiếc, bánh đậu xanh xát có giá 45.000 đồng/chiếc, bánh dẻo chay có giá 20.000 đồng/chiếc...... Các loại bánh bán tại đây đều có nhân truyền thống, như đậu xanh, thập cẩm, bánh chay... Một trong những lý do khiến bánh tại đây đắt khách vì luôn mới, có hương vị cổ truyền nhiều người ưa thích, không dùng chất bảo quản.
Đang đứng xếp hàng chờ tới lượt mua, chị Trúc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng có nghe nói tới dịch vụ 'mua bánh thuê' thế nhưng mua hộ thế có rủi ro, lo lắng tiền mất tật mang nên tôi cứ tự mình đi mua cho an tâm. Tôi mua bánh tại cửa hàng nay đã được 6 năm trời, tôi thấy khá an tâm vì bánh không có chất bảo quản, an toàn cho sức khỏe gia đình".
Rất nhiều người xếp hàng chờ tới lượt mua bánh
Chị Thủy (Long Biên, Hà Nội) cho biết, gia đình chị không câu nệ mua bánh Trung thu ở đâu miễn là sản phẩm bánh phải có thương hiệu, độ tin cậy cao. Chị cũng thích ăn bánh cổ truyền, chị thường mua tại Hàng Đào gần nhà. Nhưng nhiều bà con chị ở trong miền Nam lại vô cùng “tôn sùng” bánh Trung thu bán ở Thụy Khuê nên cứ dịp này hàng năm chị lại cùng cô con gái đến đây xếp hàng để mua. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, chị mua sớm hơn nên chưa phải xếp hàng quá lâu.
Bác Bảo - chủ cửa hàng chia sẻ, cũng như mọi năm, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bánh nướng dẻo với nhiều loại nhân mới ra đời. Tuy nhiên, riêng cửa hàng nhà bác chỉ chú trọng tới những hương vị cổ truyền, đậm đà bản sắc Hà Nội xưa. Bác rất vui khi được nhiều thực khách đặt niềm tin vào thương hiệu bánh của gia đình mình.
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, cửa hàng bác Bảo phải huy động tới 20 nhân công làm hết năng suấy để đáp ứng cho thị trường bánh Trung thu. Mỗi ngày cao điểm bác bán được hơn 2000 chiếc bánh.
Hỏi về quy định mỗi người chỉ được mua từ 1 – 2 cặp bánh như năm ngoái cửa hàng đã đề ra, bác cho biết, vì gia đình làm thủ công từng chiếc, làm ra đến đâu, bán hết ngay lúc đó. Vì thế để đảm bảo cho người mua sau cũng có bánh nên gia đình bác áp dụng nguyên tắc này để có bánh cho tất cả mọi người, không ai phải ra về tay không.
Bác còn chia sẻ thêm, mặc dù năm nay, giá nguyên liệu đầu vào có tăng theo giá xăng, tăng theo thời tiết nhưng gia đình bác vẫn quyết định giữ nguyên giá bán để phục vụ thực khách.
Chị Chi là thực khách lâu năm của cửa hàng bánh Trung thu trên phố Thụy Khuê, chị cho biết, ngoài hương vị bánh đậm chất cổ truyền, chị rất thích được tận mắt nhìn thợ làm bánh bê từng khay bột trắng tinh, rồi quết quết, đập đập... cuối cùng thì từng khay bánh còn nóng hôi hổi, thơm lừng lần lượt ra lò. "Bánh ra đến đâu bán hết veo đến đó, nhờ vậy, tôi hoàn toàn cảm thấy rất yên tâm rằng bánh tại đây luôn bảo đảm sạch sẽ, mới nguyên".
Từ lúc tiệm bánh Trung thu này vào mùa làm ăn, các cửa hàng xung quanh đều ế ẩm do bị chắn hết lối vào. Anh Chí - giám đốc một công ty bán thiết bị đồ dùng gia đình gần đó cho biết, mấy ngày nay họ không bán được đơn hàng nào do giao thông luôn ùn tắc.
htheo afamily.vn Ảnh: Chí Toàn