Đã quá trưa, anh Lê Quốc Việt, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Điền và ông Nguyễn Ngọc Thành, trưởng thôn Sư Lỗ dẫn tôi đến "diện kiến" ngôi nhà kỳ bí. Cho dù trí tưởng tượng của tôi có phong phú đến đâu cùng không thể hình dung ra ngôi nhà này là nơi trú ngụ suốt hơn 10 năm nay của ba mẹ con bà Minh.
Nhìn từ xa thì đây đích thực là một ngôi nhà hoang, cũ kỹ, rách nát, bên ngoài cỏ dại mọc um tùm. Thấy có khách đến, từ trong nhà, tiếng hét của một người phụ nữ vọng ra: “Đang tắm, ồn hi, có cho tiền không đã. Đợi chút”. Rất nhanh, bác Thành trưởng thôn nói “có”. Từ trong nhà, một phụ nữ trạc tuổi 45 bước ra với mái tóc còn ướt, cầm lấy con dao nhỏ cắt sợi dây cột hai cây tre phía trước nhà rồi dùng tay lùa tấm cửa tạm ra ngoài để “mời khách vào nhà”.
Cháu Nguyễn Hiếu 15 tuổi trong ngôi nhà bừa bãi, nhếch nhác
Cạnh đó, cậu con trai đầu trạc 15, 16 tuổi ăn mặc kiểu như “người rừng” tìm cách chạy trốn vì thấy người lạ đến, nhưng bà Minh mắng: ”Ở nhà họ cho tiền, mi đi mô“. Thế là cậu con trai đứng yên bên đống tre chất ngả nghiêng trên nền nhà, tỏ vẻ sợ sệt.
Có rất nhiều cây tre khô chất khắp nhà. Bên cạnh đó là những hang đất nhỏ do hai anh em đào để chơi. Nhiều bịch nhựa chứa nước sinh hoạt hàng ngày, những chiếc xoong nồi đã hoen ố, mốc rỉ bừa bãi khắp nhà. Nhà không có điện, nước sạch.
Thấy tôi ngạc nhiên nhìn đống áo quần rách rưới đặt trên chiếc giường cũ đã gãy nát (tài sản chính của ngôi nhà), bà Minh quay mặt lại rồi la lên: “Không được sờ áo quần tui mặc”. Khi cán bộ xã hỏi có muốn đưa hai cháu lên Huế ở không, bà Minh quay sang trợn mắt: “Không đi mô hết, con tui, tui nuôi”...
Ba mẹ con bà Minh trong ngôi nhà dột nát
Địa phương lúng túng
Trong hai đứa con bà Minh, thằng út trông khá hơn, còn thích mặc quần áo và đi chơi với lũ trẻ trong làng. Riêng bà Minh và đứa con trai đầu thì “lập dị”. Ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Mấy tháng trước, trong lúc xã đang triển khai hút nước ở khu vực hồ sen gần trước trụ sở UBND xã để làm khu tái định cư, tôi thấy thằng con trai đầu của bà Minh bắt cá sống lên ăn, đặc biệt cậu này không bao giờ chịu mặc quần khi ra đường, khi thấy người lạ lập tức chạy trốn”.
Ông Nguyễn Đoàn, 52 tuổi, người dân sống gần nhà bà Minh kể: “Đã gần 10 năm nay cháu vẫn thế, cứ thấy người lạ là bỏ chạy. Tôi thường chứng kiến cháu xuống sông bắt cá sống, cầm lên cười một lúc rồi nuốt gọn con cá, đêm khuya và buổi trưa, khi mọi người đã ngủ thì cháu trèo lên cây dừa hái trái mang về nhà ăn”.
Cũng theo lời ông Thành, năm nào đến mùa bão lụt là cả xã, huyện đều lo lắng cho ba mẹ con bà Minh. Khi nghe có bão sắp đến, cán bộ xã, huyện, tích cực đến vận động nhưng ba mẹ con vẫn trốn trong nhà, thậm chí bà còn to tiếng: “Tau có chết mô mà đi”, có khi còn đem dao ra dọa cán bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, trưởng thôn Sư Lỗ đến thăm nhà bà Minh
Bà tên là Nguyễn Thị Thanh Minh, có dấu hiệu tâm thần. Cả ba mẹ con bà Minh đều không có giấy tờ tùy thân. Hai đứa trẻ cũng không biết trường lớp là gì. Ngôi nhà hiện bà đang ở là do người cha để lại.
Để có được tên tuổi chọn danh sách hộ nghèo cũng như tạo điều kiện cho ba mẹ con này hòa nhập với bà con lối xóm, lãnh đạo xã và thôn đành phải “lách luật” đặt tên hai đứa con là Nguyễn Hiếu (15 tuổi) và Nguyễn Hiền (12 tuổi). Hàng ngày, cả ba mẹ con có khi hái măng ra chợ Truồi để bán, lúc thì ra chợ xin ăn. Xót thương tình cảnh ba mẹ con bà Minh, nhưng khi xã đến vận động tái định cư và đưa hai cậu con trai vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để nuôi dưỡng, bà Minh lại không cho con đi.
Anh Lê Quốc Việt cho biết, trước hoàn cảnh khó khăn của ba mẹ con, UB MTTQ xã và các Mạnh Thường Quân đã vận động được 45 triệu đồng, gọi ông Nguyễn Văn Hồng là người thân của bà Minh lên nhận tiền về sửa chữa nhà để tạo điều kiện cho bà sớm hòa nhập xã hội, thế nhưng do khó khăn, ông Hồng đã không nhận lời.
Việc đưa đi giám định tâm thần cũng như chăm lo cuộc sống của ba mẹ con bà Minh đang là vấn đề nan giải của xã, bởi bà Minh nhất quyết không hợp tác với chính quyền địa phương.
theo phunuonline