Đây có lẽ là một trong những thông tin tác động tích cực khiến USD giảm giá mạnh so với VND từ đầu năm 2010 đến nay. Tính đến ngày 10/02/2012, tỷ giá USD bán ra niêm yết tại Vietcombank là 20.880 đồng/USD, thấp hơn 156 đồng so với mức tỉ giá trần 21.036 của ngân hàng Nhà nước.
Xuất siêu vì nhập khẩu giảm
Với Việt Nam, nhập siêu là một hiện tượng thường trực và là nguyên nhân trực tiếp khiến cho việc đồng nội tệ mất giá. Số tháng xuất siêu là rất hiếm và thường chỉ mang tính thời điểm. Lần xuất siêu gần đây nhất của Việt Nam là tháng 7/2011 với giá trị xuất siêu hơn 1,1 tỉ USD. Nguyên nhân chủ yếu của việc xuất siêu tháng 7/2011 là do tái xuất vàng khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến được giải thích cho nhiều lần xuất siêu trước đó của Việt Nam. Tuy nhiên trong tháng 1/2012, nguyên nhân xuất siêu lại không đến từ hoạt động xuất khẩu vàng miếng như những thời điểm trước đó.
Theo số liệu của tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2012 đạt xấp xỉ 7,1 tỉ USD, giảm 21,9% so với tháng 12/2011 và giảm 3% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh hơn rất nhiều nên cán cân thương mại trở nên thặng dư. Tính trong cơ cấu nhập khẩu thì mức giảm mạnh nhất thuộc về ba nhóm mặt hàng như sau. Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, giá trị nhập khẩu đạt 956 triệu USD, giảm 30,5% so với tháng 12.2011 và giảm 25,31% so với tháng 1/2011. Nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, giá trị nhập khẩu đạt 660 triệu USD, giảm 29,7% so với tháng 12/2011 và giảm 25,09% so với tháng 1/2011. Nhóm thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 45,70% và 36,10% tương ứng so với tháng 12/2011 và tháng 1/2011.
Sắt, thép là một trong số các ngành có chỉ số sản xuất tháng 1/2012 giảm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh hoạ.
Nhập khẩu giảm do sức sản xuất và tổng cầu sụt giảm
Có thể lý giải sự sụt giảm nhập khẩu trong tháng 1/2012 là do thời gian nghỉ tết kéo dài nhưng yếu tố này không mang tính quyết định. Nếu cùng so sánh trong một khoảng thời gian là tháng 1/2012, xuất khẩu chỉ giảm 3% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu giảm mạnh đến 14,7%. Còn nếu so với tháng tết Nguyên đán của năm 2011 (tháng 2/2011) thì xuất khẩu tăng 43,9% trong khi nhập khẩu chỉ tăng 13,3%. Sự chênh lệch nhau lớn giữa các con số xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy yếu tố thời gian chưa phải là yếu tố chủ đạo giải thích cho sự suy giảm của nhập khẩu.
Thặng dư cán cân thương mại trong tháng 1/2012 bắt nguồn từ việc nhu cầu nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng và máy móc sụt giảm.
Đây không phải là một tín hiệu tốt đẹp của nền kinh tế. Nó báo hiệu cầu tiêu dùng cũng như sức sản xuất trong nước có dấu hiệu bị giảm sút.
Chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài cả năm 2011 để kiểm soát lạm phát đã khiến các doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ hàng hoá. Chỉ số hàng tồn kho tăng trong cả năm 2011 là một minh chứng cho những khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp sản xuất. Theo số liệu của tổng cục Thống kê thì chỉ số hàng tồn kho tính đến tháng 12/2011 tăng 5,05% so với tháng 11/2011 và tăng 12,80% so với tháng 1/2011. Trong Báo cáo tài chính riêng lẻ của DPM, giá trị hàng tồn kho cuối năm 2011 là 1.021 tỉ (11,2% tổng tài sản), tăng 79% so với mức 568 tỉ đồng (7,9% tổng tài sản) vào cuối năm 2010.
Một doanh nghiệp khác là POM, hàng tồn kho cuối năm 2011 là 1.671 tỉ (28,35% tổng tài sản), tăng 45% so với mức 1.150 tỉ đồng (26% tổng tài sản) cuối năm 2010.
Lượng hàng tồn kho cao đã khiến các doanh nghiệp tập trung vào tiêu thụ bớt hơn là nhập thêm nguyên liệu đầu vào để sản xuất tăng thêm sản phẩm. |
Tuy nhiên, ngay trong tháng 1/2012, chỉ số này đột ngột giảm 13,66% so với tháng 12/2011. Cũng trong tháng 1/2011, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 7,7%; giày, dép giảm 10,1%; trang phục giảm 10,3%; ximăng giảm 11,5%; đường giảm 13,7%; sắt, thép giảm 21,5%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 27,9%… Như vậy, có thể thấy lượng hàng tồn kho cao đã khiến các doanh nghiệp tập trung vào tiêu thụ bớt lượng hàng tồn kho này hơn là nhập thêm nguyên liệu đầu vào để sản xuất tăng thêm sản phẩm.
Sức ép tăng tỷ giá sẽ khó xuất hiện trong ngắn hạn
Để đưa lạm phát về một con số trong năm 2012, chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước về cơ bản vẫn là thắt chặt. Như vậy, doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất và người dân cũng chưa thể tiêu thụ mạnh tay như các năm trước. Vì vậy, với lượng hàng tồn kho vẫn còn khá lớn từ năm 2011 thì các doanh nghiệp sẽ vẫn có xu hướng ưu tiên xả hàng tồn kho thay vì đẩy mạnh sản xuất. Do đó, sức ép từ phía nhập khẩu trong những tháng tới là không lớn.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ tái cấu trúc mạnh mẽ. Sự phân hoá giữa các nhóm ngân hàng lớn dồi dào tiền đồng và các ngân hàng thương mại nhỏ thiếu thanh khoản ngày một rõ nét. Tiền đồng vẫn là một tài sản rất quan trọng trong quá trình sáp nhập và tái cấu trúc. Lãi suất huy động có dấu hiệu vượt rào tăng cao tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ là một minh chứng dễ nhận thấy. Trong bối cảnh thiếu cả nhu cầu đầu cơ lẫn nhu cầu nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu thì đồng USD sẽ khó chiếm được ưu thế trước tiền đồng.