Chị Ngọc Hiền, nhân viên pháp lý một công ty xuất nhập khẩu và kinh doanh vải sợi vừa mua được căn nhà cũ 700 triệu đồng tại phường Bình Chiểu (Thủ Đức). Chị tiết lộ: "Vợ chồng tôi đọc tin rao bán trên báo thì lập tức vào cuộc. Từ lúc xem nhà đến khi quyết định mua diễn ra chớp nhoáng trong 3 hôm".
Nữ khách hàng này giải thích, sở dĩ việc mua bán diễn ra nhanh chóng vì chị tin rằng không còn giá nào rẻ hơn nên phải tranh thủ nắm chắc cơ hội. Do nguồn tài chính hạn hẹp, vợ chồng chị phải vay mượn nhiều nơi mới đủ. Ngôi nhà mới mua vừa nhỏ và cũ nát, lại xa trung tâm, đi làm phải chạy 15 km, nhưng quan trọng là giá "mềm" và với chị "có nhà còn hơn không". "Cứ thu vén lại ở tạm, tập trung lo trả nợ rồi sửa chữa nâng cấp sau", chị nói.
Trong khi đó, anh Hoàng Minh đang hoàn tất thủ tục mua căn nhà cấp 4 rộng 35 m2 kèm tầng lửng trong hẻm thuộc đường Đoàn Văn Bơ quận 4. Không thể tiết lộ giá cả vì giao kèo giữa hai bên, anh chỉ cho biết chủ nhà đã chịu giảm 10% sau hai tuần đàm phán nên anh cũng vui vẻ xuống tiền ngay.
Vị khách hàng này nhẩm tính, kinh phí tu sửa lại căn nhà nát này tối thiểu 50-100 triệu đồng nữa là có thể vào ở ngay, so với bỏ ra bạc tỷ mua nhà chung cư thì đây là món hàng giá "mềm".
|
Khách hàng tham khảo giá cả của dòng sản phẩm nhà phố tại một hội chợ bất động sản ở TP HCM. Ảnh: Vũ Lê |
Làm môi giới nhà đất được 7 năm, anh Tùng chia sẻ về kinh nghiệm săn nhà phố giá rẻ: "Nhà mặt phố giá dưới một tỷ đồng không nhiều, có thể xếp vào loại hiếm nên muốn mua được hàng phải nhạy cảm với thông tin bán mua trên thị trường".
Đặc điểm của dòng sản phẩm này là diện tích nhỏ, xa khu trung tâm, hoặc nằm trong hẻm sâu, thường đã xuống cấp hoặc cũ nát, thậm chí nằm trong khu quy hoạch, phóng đường. Theo anh Tùng, thời điểm thị trường nóng sốt có khá nhiều trường hợp khách hàng chuyên săn những căn nhà cũ giá rẻ rồi đại tu lại để bán với giá cao. Tuy nhiên, do tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, đối tượng mua nhà loại này thường là người cần nơi ở nhưng eo hẹp về tài chính.
Bên cạnh loại nhà này, không ít trường hợp nhà phố nội thành vị trí thuận tiện chào giá vài tỷ đồng vẫn có giao dịch thành công. Ký hợp đồng mua căn nhà 5 tỷ đồng tại quận 3 được nửa tháng, anh Nguyễn Văn Quang chia sẻ: "Tôi vừa rút tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì được giới thiệu căn nhà này. Thương lượng được giá tốt nên chuyển tiền đổ sang nhà đất. Tạm thời tôi cho thuê chứ chưa ở ngay".
|
Bất động sản lao dốc, giảm giá nhiều phân khúc là cơ hội để nhiều người săn lùng nhà đất giá rẻ. Ảnh:Vũ Lê |
Trưởng phòng tư vấn nhà phố một sàn địa ốc tại quận 1 cho biết, trong tháng 6, số lượng khách hàng quan tâm nhà gắn liền với đất tăng khoảng 30% so với tháng trước. Riêng nhóm sản phẩm nhà cấp 4 ở ngoại thành có giá 1-1,5 tỷ đồng trở xuống luôn thu hút sự quan tâm của khách nhưng thực tế là không có nhiều hàng loại này để bán. "Trong tuần lễ cuối tháng 6 tôi cũng có được 2 giao dịch thành công mới phát sinh nhưng thương vụ này đều trên 3 tỷ đồng", vị này cho hay.
Giám đốc Công ty dịch vụ địa ốc Á Châu (ACBRS), Ngô Đình Hãn cho biết trong tháng 6 này số lượng giao dịch thành công cho phân khúc nhà phố qua sàn ACBRS đạt 33 trường hợp, tăng 8 giao dịch so với tháng 5. Giá trị các thương vụ này chủ yếu rơi vào những căn có giá từ 3 đến 5 tỷ đồng. Còn nhà trên 10 tỷ đồng được mua bán qua sàn chỉ chiếm khoảng 20% số lượng trên. Riêng nhà có giá dưới 1,5 tỷ đồng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Lý giải cho việc tăng lượng giao dịch nhà phố, ông Hãn phân tích, ngoài yếu tố giá cả từng bước được điều chỉnh khiến cho giai đoạn này hàng hóa trở nên hấp dẫn hơn, nhà đầu tư cũng bắt đầu chuyển vốn sang kênh nhà phố. Bởi lẽ, thay vì gửi tiền ngân hàng với lãi suất thấp dưới 9% như hiện nay, mua nhà phố (đã giảm giá) có thể cho thuê vẫn thu về lợi tức hàng tháng.
Theo ông Hãn, tâm lý của người dân Việt Nam, nhà gắn liền với đất hay còn gọi là nhà phố ít bị xuống giá hơn các phân khúc còn lại đồng thời có tiềm năng sinh lời trong dài hạn. "Nếu tìm kênh đầu tư để trú ẩn, nhà phố là kênh giữ tiền ở dạng tài sản an toàn", ông Hãn nhận định.
Vũ Lê