Hiện, Vietnamobile dùng chung 922 trạm BTS của các doanh nghiệp khác, trong đó có 293 trạm của VNPT.
Đại diện Hanoi Telecom cho biết, từ cuối năm 2011, doanh nghiệp nhận được công văn từ một số đơn vị, công ty con của VNPT về việc tăng giá thuê cơ sở hạ tầng, nhà trạm áp dụng từ ngày 1/1 năm nay. Theo đó, một số trạm BTS có mức giá mới gấp từ 2 lần đến 10 lần giá cũ, sau khi thương lượng, giá vẫn tăng 200-500%, tùy trạm.
Đơn cử trạm BTS mã 248018 bị tăng giá thuê từ 8,16 triệu đồng lên 91,72 triệu, trạm 246002 có giá từ 11,11 triệu lên 74,47 triệu... Sau khi giảm giá 50%, giá thuê các trạm trên lần lượt là 45 triệu đồng và 37 triệu đồng mỗi tháng.
Theo văn bản Hanoi Telecom gửi Bộ, trung bình giá thuê trạm BTS tăng 215% so với mức cũ.
|
Vietnamobile kêu cứu với cước thuê kênh và BTS mới. Ảnh minh họa. |
Một lãnh đạo của Hanoi Telecom cho biết, doanh nghiệp thuê trạm BTS, dùng chung cơ sở hạ tầng là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này nhằm tận dụng tối đa nguồn lực quốc gia, tránh lãng phí và mất mỹ quan đô thị. Song với mức nâng giá quá mạnh như của VNPT hiện nay, Vietnamobile sẽ phải đầu tư thêm hàng tỷ đồng mỗi năm, dẫn đến khó khăn trong kinh doanh.
"Mỗi tháng 50 triệu đồng, một năm là 600 triệu đồng chỉ cho một trạm BTS, trong khi chúng tôi phải thuê hàng trăm trạm BTS. Chi phí đó quá sức doanh nghiệp, thậm chí đủ tiền xây mới một trạm mà không cần đi thuê", đại diện Hanoi Telecom cho biết.
Vị này cho rằng, việc tăng giá thuê BTS lên 2-10 lần của VNPT là không có cơ sở ngay cả khi chi phí điện năng, bảo trì đắt đỏ. Điều này còn đi ngược chủ trương khuyến khích dùng chung cơ sở hạ tầng đã được quy định trong Luật Viễn thông. Theo đó, trong văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Hanoi Telecom đề nghị Bộ can thiệp, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường, trước mắt là giữ nguyên giá thuê cơ sở hạ tầng trong thời gian chờ xem xét.
Trước đó, Vietnamobile cũng nhận được công văn từ Viettel và VNPT tăng cước thuê kênh truyền dẫn tín hiệu lên 200% so với giá cũ. "Là mạng nhỏ, phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của các nhà mạng khác nên chúng tôi rất bất lợi trong việc đàm phán giá thuê. Giá thuê kênh và trạm BTS đột ngột tăng cao rõ ràng đang làm khó doanh nghiệp", đại diện Hanoi Telecom cho biết.
Trong khi đó, một lãnh đạo của VNPT cho rằng, đây là vấn đề thuận mua vừa bán. Bởi ngoài VNPT, nhiều doanh khác cũng cho thuê cột BTS. Do vậy, nếu không chấp nhận mức giá mới, Hanoi Telecom có thể đi thuê của đơn vị khác.
Vị này cho biết thêm, nguyên nhân tăng giá cho thuê trạm BTS là chi phí điện, tiền thuê vị trí đặt trạm đắt đỏ. Bản thân VNPT cũng bị những doanh nghiệp khác nâng giá, thậm chí tăng gấp 7-8 lần.
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng cho biết, Bộ đã nhận được phản ánh của các doanh nghiệp và đang đợi kiểm tra xem mức tăng bao nhiêu, tăng trục nào để có phương án xử lý.
Ông Thắng cho biết trạm BTS thuộc danh mục cơ sở hạ tầng liên ngành theo chủ trương của Nhà nước, một tuyến đường chỉ được xây dựng một tuyến cột, lắp đặt cống cáp ngầm... phải theo quy hoạch để đảm bảo cảnh quan đô thị, không phải chỗ nào muốn xây cũng được. Vì vậy, giá thuê cơ sở hạ tầng liên ngành, trong đó có các trạm BTS do Bộ Tài chính đưa ra, dựa trên giá thành nhằm thúc đẩy việc dùng chung. Khi một doanh nghiệp tăng giá thuê, Bộ sẽ vào cuộc kiểm tra xem mức tăng cùng lý do tăng có bất hợp lý hay không để đưa ra những biện pháp thích hợp.
"Luật Viễn thông quy định, doanh nghiệp tăng giá không hợp lý, gây mất ổn định cho thị trường, ảnh hưởng đến kinh doanh của đơn vị khác sẽ bị xử phạt", ông Thắng nói.
Xuân Ngọc