Theo số liệu thống kê được công khai trên phượng tiện thông tin đại chúng, gia đình ông Phạm Nhật Vượng được coi là giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup có tài sản bằng cổ phiếu trị giá 16.764 tỷ đồng. Bà Phạm Thu Hương vợ ông Vượng có 2.891 tỷ; em ruột bà Phạm Thu Hương là Phạm Thúy Hằng có 1.919 tỷ.
Trong số 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2011, cả ba người trong gia đình ông Phạm Nhật Vượng đều có mặt: ông Vượng số 1, bà Phạm Thu Hương đứng thứ ba; còn Phạm Thuý Hằng đứng thứ năm. Cộng lại, gia đình này có 21.574 tỷ đồng, tương đương hơn một tỷ USD thời điểm hiện nay.
|
Ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2011
|
Tôi đã có dịp trò chuyện với những người trong gia đình giàu có này và thật ngạc nhiên vì họ còn rất trẻ. Phạm Nhật Vượng cùng quê Hà Tĩnh với tôi, vùng quê nghèo ngàn đời nay mà ai cũng biết. Tiếp xúc với hai chị em Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng, tôi thấy rất dễ chịu. Họ xinh đẹp, nhẹ nhàng, lịch sự và cũng khiêm tốn khi trò chuyện, khi khách đến nhà chơi, hay khi ăn uống tiệc tùng...
Nhưng, có người nói rằng, tài sản trên sàn chứng khoán là ảo! Thử điểm lại những người được coi là giàu nhất trên sàn chứng khoán mấy năm qua. Năm 2006, ông Trương Gia Bình với tài sản là 2.354 tỷ đồng, được coi là người giàu nhất Việt Nam năm đó. Sang năm 2007 là ông Đặng Thành Tâm - Chủ tập đoàn Tân Tạo và Kinh Bắc với tài sản là 6.293 tỷ, được coi là người giàu nhất 2007.
Đến năm 2008, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai lên ngôi. Ông Đoàn Nguyên Đức có tài sản trên sàn lúc đó là 6.159 tỷ. Đến năm 2009 vẫn ông Đoàn Nguyên Đức giữ ngôi đầu với tài sản lên đến 11.439 tỷ. Năm 2010 ông Đức mất ngôi, thay vào đó là Phạm Nhật Vượng với tài sản là 15.775 tỷ. Năm 2011 ông Vượng vẫn giữ ngôi đầu với tài sản lên tới 16 .764 tỷ.
Qua đó ta thấy rằng sự giàu có này có sự biến đổi, có lẽ cái “Ảo” là ở chỗ đó chăng? Ví như ông Đặng Thành Tâm, người được coi là giàu nhất năm 2007 đến năm 2011 tài sản của ông trên sàn đã giảm 70% so với năm 2010 (mất 2.670 tỷ). Hay ông Đoàn Nguyên Đức hai năm liền giữ ngôi đầu, cho đến năm 2011, tài sản đã giảm 64% so với 2010, giảm đến 4.440 tỷ.
Chị em với ông Đặng Thành Tâm, có bà Đặng Thị Hoàng Yến đã rời khỏi tốp 10 người giàu nhất, thay vào đó là một đại gia Yến khác. Bà Nguyễn Hoàng Yến năm ngoái đứng thứ 12 nay đã lên hạng, đứng thứ 4. Hồ Hùng Anh xếp thứ 13 năm ngoái, nay đã lên bảy bậc, đứng thứ 6…
Những biến đổi này là tất nhiên, vì không chỉ trên sàn, nơi tài sản được coi là “ảo” mà ngay cả những đại gia, những gia đình không lên sàn cũng có những thay đổi. Cuộc sống là như vậy.
Gia đình giàu nhất Việt Nam có tài sản không “ảo”
Ảo cũng chỉ là một cách nói mà thôi! Phải có hình rồi mới có bóng chứ. Sau ảo là thật. Cái thật là đất đai, nhà cửa, bệnh viện, những khu nghỉ dưỡng vui chơi… Tuy tài sản trên sàn không định hình, luôn thay đổi, năm nay anh là giàu nhất, nhưng năm sau có thể phải xếp sau người khác, nhưng họ vẫn là những gia đình giàu có bậc nhất đất nước này.
Tôi lại nói về một người có tài sản, đúng hơn là một gia đình người Việt có tài sản không kém gì gia đình ông Phạm Nhật Vượng. Mà là tài sản không “ảo” nghĩa là không ở trên sàn chứng khoán; mà nhìn thấy hẳn hoi, có người trả giá hẳn hoi. Đó là gia đình ông Trần Đình Trường.
Ông Trường cũng người Hà Tĩnh, không phải ở huyện Can Lộc quê ông Vượng mà là ở huyện Kỳ Anh, cùng huyện với tôi. Trong chuyến đi Mỹ với hoa hậu Thu Thủy, lần đầu tiên đặt chân tới New York - thành phố giầu có và phồn hoa bậc nhất thế giới, ở khách sạn ngay trung tâm của quảng trường Thời đại nổi tiếng - khách sạn Carter, mà chủ của nó là một người Việt - ông Trần Đình Trường.
Trong một bức thư ông gửi cho tôi mời sang thăm Mỹ (mà tôi chưa đi được), ông viết thêm rằng khách sạn Carter ở trung tâm thành phố New York có người trả giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Khách sạn Carter là niềm tự hào của người Việt ở đây nên chúng tôi không bán, mà duy trì nó như một tài sản vô giá”. Ông Trần Đình Trường có 11 người con, nhiều người trong số đó đang làm ăn tại Mỹ như Trần Đình Nam, Trần Thanh Bắc… và đều có tài sản riêng đáng kể.
Tháng Chạp năm 2011, tôi có đến nhà em ruột ông Trần Đình Trường là Trần Đình Chín ở ngay trung tâm bờ hồ Hoàn Kiếm (phố hàng Khay) và được ông cho xem bản thiết kế một dự án lớn. Đó là dự án công viên biển ở Nha Trang (Khánh Hòa). Tôi đã nhiều lần đến hồ cá Tri Nguyên, nơi trước đây nuôi nhiều loại cá nước mặn cùng các loại sinh vật biển thu hút khách tham quan khắp cả nước.
Ông Trần Đình Chín cho biết, hồ cá Tri Nguyên sẽ là trung tâm của công viên biển, một khu nghỉ dưỡng, vui chơi vào loại bậc nhất Việt Nam. Gần 30 phút, tôi đắm mình vào dự án này qua thiết kế của một kiến trúc sư nổi tiếng ở Mỹ.
Câu chuyện xoay quanh các con ông đang làm ăn ở Mỹ. Ba người con trai của ông Trần Đình Chín là Trần Đình Thành, Trần Đình Hùng, Trần Đình Sơn hiện là chủ của Quality Inn ở Mỹ. Với hai khách sạn đã đưa vào sử dụng và một khách sạn đang xây, số tài sản của các con ông khoảng 100 triệu USD. Như vậy, số tài sản “nhìn thấy”, có giá hẳn hoi của gia đình ông Trần Đình Trường (gồm các con, em ông Trường) lên đến 1 tỷ 200 triệu USD. Gia đình ông Trần Đình Trường là gia đình người Việt đầu tiên có tài sản không “ảo” hơn 1 tỷ USD.
Họ làm giàu từ đâu?
Theo số liệu thống kê, những người giàu trên sàn có trên 26% từ đất đai. Đó là chưa tính những người có một phần, hay một nửa từ đất đai. Nếu tính chuẩn, tính hết, có thể nói già một nửa người giàu ở nước ta là từ đất, từ “ông thần thổ địa” một thời bị lãng quên.
Người giàu nhất trên sàn năm 2011, khi bắt đầu làm ăn ở nước ngoài cũng từ đất đai và một phần ở các nhà máy sản xuất thức ăn sẵn tại một nước vừa tách khỏi liên bang Xô Viết – Ukraina. Khi về làm ăn trong nước, ông và các cộng sự đã bán hết các nhà máy sản xuất mì ăn liền ở Ukraina, chỉ đầu tư vào đất đai, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí …
Ông Đoàn Nguyên Đức, khởi nguồn từ sản xuất, chế biến gỗ, nhưng cuối cùng, vẫn là bất động sản. Sở dĩ năm 2011 có nhiều đại gia giảm tài sản (trên sàn) đến mấy chục phần trăm cũng là do thị trường bất động sản đóng băng, hạ giá rất nhiều mà vẫn ít người mua. Đây là lĩnh vực giàu lên rất nhanh, cũng là lĩnh vực sa sút nhanh, thậm chí có nhiều người bị phá sản, rơi vào cảnh nợ nần…
Vì sao lĩnh vực bất động sản được nhiều người đầu tư, và nhiều người giàu lên từ đây? Như tôi đã nhiều lần nói đến, suốt một thời gian dài, do chiến tranh, do cơ chế quan liêu bao cấp, do triết lý “ Mỗi tấc đất tư hữu đều có thể đẻ ra chủ nghĩa tư bản…” mà một thời ta coi tư bản như kẻ thù, nên ăn cơm tập thể, ở nhà lắp ghép tập thể do Nhà nước phân phối, đất đai là của hợp tác, dần dần trong tư duy của người dân, đất đai chẳng để làm gì… Cho đến khi công cuộc đổi mới bắt đầu, công nhận tư hữu, chủ trương kinh tế nhiều thành phần (chứ không phải chỉ có một thành phần là tập thể, là công hữu về tư liệu sản xuất).
Đó là thời điểm vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà hàng triệu người còn ngơ ngác trước một cơ chế mới mà ta gọi là “Cơ chế thị trường”, hầu như tất cả đang ở trên những căn hộ tập thể nhiều tầng với các dãy “chuồng cọp”, chưa kịp nhìn xuống đất, chưa kịp nhớ tới việc ngàn đời nay ông cha ta thường nói về một “mảnh đất cắm dùi” mà nhiều năm qua không ai dám nói đến…
Chính vào thời điểm đó một số người có đầu óc nhạy bén, có một ít tiền tích luỹ được liền nghĩ tới đất đai. Mua đất, mua nhà, lấp ao, san vườn… với giá rất rẻ, còn rẻ như cho. Tiếp đến là biến những khu đất “vàng” ở trung tâm thành phố mà trước đó là khuôn viên nhà máy, xí nghiệp, hay các chung cư cũ nát… thành khách sạn, siêu thị, thành các tòa nhà hiện đại để cho các công ty nước ngoài, hay tập đoàn trong nước thuê, hoặc bán đứt cho cá ngân hàng, các cơ sở kinh doanh… Đó là thời điểm hốt bạc của các đại gia.
Khi có chủ trương cho phân lô, bán nền, các nhà đầu tư bất động sản liền ồ ạt xây chung cư cao cấp, vì chỉ cần đầu tư ban đầu, chỉ cần san, lấp được cái nền và có bản vẽ “khu nhà tương lai” là người ta đổ xô nhau mua. Mua không phải để ở mà để đầu cơ vì ai cũng nghĩ rằng “người thì ngày càng đẻ thêm nhưng đất đai vẫn vậy…”. Dẫn đến tình trạng giá đất, giá nhà đội lên cao vùn vụt…
Bởi vậy, khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều biệt thự nói như một số bài báo là “ biệt thự triệu đô cho… chuột ở”.
Xem kỹ thống kê 30 gia đình giàu nhất Việt Nam thì thấy: Họ giàu lên từ bất động sản là chủ yếu; Thứ hai là từ tài chính, ngân hàng; Thứ ba là khai thác, chế biến khoáng sản, hải sản… Thứ tư là dịch vụ. Cuối cùng là thông tin, truyền thông .
Tại diễn đàn kinh tế thế giới vừa mới tổ chức ở DAVOS (Thụy Sỹ) tháng 1/2012 vừa qua, khi người ta thống kế những người siêu giàu và xem họ kiếm tiền từ đâu thì thấy công nghệ và viễn thông là đầu tiên. Đó là ngành làm giàu lớn nhất của những người siêu giàu trên thế giới. Thứ hai là tài nguyên thiên nhiên. Thứ ba là buôn bán (bán lẻ). Thứ tư là ngành tài chính, đầu tư. Xem ra những người giầu nhất thế giới làm giàu “ngược lại” những người giàu nhất nước ta!
Theo Đất Việt