Trao đổi với Tạp Chí Gia Đình sáng qua, ông Trần Văn Trí, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) cho biết vừa ký hợp đồng xuất khẩu tôm đông lạnh với gần 100 khách hàng nước ngoài. Đây là đối tác truyền thống của Thủy sản Phương Nam, hay tin doanh nghiệp hồi sinh đã tiếp tục ký nhiều đơn hàng mới giúp đơn vị này tiến gần hơn tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 30 triệu USD vào cuối năm nay.
|
Thủy sản Phương Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 8,5 triệu USD sau 2 tháng tái cấu trúc. Ảnh: Duy Khang
|
Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ có 2 triệu USD nhưng tăng vọt lên trên 8,5 triệu USD (xuất khẩu hơn 789 tấn tôm) chỉ trong 2 tháng sau tái cấu trúc với sự giúp đỡ của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Để giảm bớt khoản nợ 1.600 tỷ, Công ty Phương Nam đồng ý giao các ngân hàng quản lý tài sản thế chấp ngoài nhà máy để bán thanh lý, cấn trừ nợ. Những tài sản trong nhà máy (kể cả xe ôtô) được giữ nguyên để công ty có điều kiện sản xuất kinh doanh, trả nợ ngân hàng.
Đối với hàng tồn kho, khi doanh nghiệp chưa lún vào nợ nần, tổng giá trị hàng hóa lên đến 700 tỷ đồng. Hiện công ty kiểm kê xác định còn trên 260 tấn, trị giá khoảng 1 triệu USD (hơn 22 tỷ đồng). Hơn một năm qua, các ngân hàng thuê lực lượng bảo vệ hàng tồn kho tốn chi phí hơn nửa tỷ đồng (chưa tính tiền điện).
Sau cuộc họp với các chủ nợ vào cuối tháng 7, Thủy sản Phương Nam đồng ý để các ngân hàng rao bán hàng tồn kho, thu tiền về tài khoản đồng sở hữu mở tại một ngân hàng để sau này xử lý, thanh toán nợ. Tuy nhiên, sau một tháng, các ngân hàng không tìm được đối tác, doanh nghiệp quyết định để đơn vị trực tiếp bán và khi xuất kho kiểm kê có sự chứng kiến của cơ quan bảo vệ pháp luật vì giá trị thực tế so với sổ sách chênh lệch gần 30 lần.
Cùng với kế hoạch trở lại top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam vào năm 2015 (dự kiến đạt kim ngạch 80 triệu USD), Thủy sản Phương Nam phấn đấu đến năm 2019 sẽ trả dứt nợ. Công ty tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu sang Mỹ 45-50%, Nhật 25% và EU 20%, còn lại là thị trường Canada, Hàn Quốc, Malaysia.
"Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang cho vay nên nông dân bán tôm đến nhà máy nhận được tiền mặt ngay. Công ty đang tăng công suất, lao động tuyển thêm để đủ 2.000 người vì nguyên liệu bắt đầu dồi dào. Đơn vị mong muốn các ngân hàng từng hợp tác với Phương Nam tiếp tục cho vay trở lại", ông Trí cho biết thêm.
Thủy sản Phương Nam từng đứng trong top 10 doanh nghiệp tiêu biểu cả nước với kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 88 triệu USD vào năm 2007, tạo công ăn việc làm cho trên 3.200 công nhân. Đầu năm 2012 cựu Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân sang Mỹ và không về nước với lý do bệnh, để lại khoản nợ lớn cho công ty.
Hai tháng trước Phương Nam vượt qua khó khăn, cổ đông mới là ông Trần Văn Trí trở thành Phó chủ tịch HĐQT. Công ty quyết định giữ nguyên bộ máy quản lý, thực hiện chế độ bảo biểm xã hội, y tế và và người lao động được tăng 20% lương
Duy Khang