Đây là một việc làm thông thường trong thương mại quốc tế nhằm tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa khi chứng minh được hàng hóa đó đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
Nhập khẩu tăng, gây thiệt hại
Theo đó, vào ngày 23-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 5987/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với dầu thực vật, cụ thể là dầu nành tinh luyện, dầu cọ tinh luyện với mã HS: 1507.90.90, 1511.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau.
Quyết định này thay thế Quyết định số 2564/QĐ-BCT ngày 22-4 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký (7-9), được áp dụng trong khoảng thời gian bốn năm kể từ ngày biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực.
Dầu ăn trong nước sẽ lấy lại thị phần khi được áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với dầu thực vật nhập khẩu. Ảnh: HTD
Trong thông báo áp dụng biện pháp tự vệ chính thức của Bộ Công Thương nêu rõ hàng hóa nhập khẩu gia tăng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước; được thể hiện qua sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận, công suất và nhân công.
Cụ thể trong giai đoạn 2009-2012, thị phần của ngành sản xuất trong nước suy giảm từ 52% xuống còn 27%, tương ứng là sự gia tăng thị phần của hàng nhập khẩu từ 48% lên 73%. Sản lượng sụt giảm rõ rệt trong năm 2012 với mức 32% so với năm 2011 và là mức thấp nhất trong giai đoạn này. Cùng với đó là sự sụt giảm về công suất từ 35% năm 2011 còn 24% năm 2012; doanh thu năm 2012 đột ngột suy giảm 38% so với năm 2011, kéo theo lợi nhuận giảm 31%. Hơn nữa, giá bán mặt hàng nhập khẩu năm 2012 giảm đáng kể tới 4% so với năm 2011 khiến hàng trong nước phải hạ xuống 6%. Và như thế lượng nhân công cũng giảm mạnh đến 16%.
Tự vệ là cần thiết
“Sự sụt giảm này được thể hiện rõ rệt trong năm 2012 và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nếu tình hình này tiếp diễn, ngành sản xuất trong nước sẽ không tránh khỏi việc tiếp tục bị mất thị phần khiến doanh thu, lợi nhuận giảm và sản xuất bị đình đốn… Bên cạnh đó, dầu thực vật nhập khẩu tăng đột biến cũng làm phát sinh nhiều hệ quả trong đó có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm” - Bộ Công Thương nhận định.
Và căn cứ vào những lý do trên, Bộ Công Thương kết luận: “Việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức là cần thiết”.
Sau khi biện pháp tự vệ chính thức có hiệu lực, Tổng cục Hải quan Việt Nam sẽ tiến hành áp dụng thu thuế nhập khẩu bổ sung với các mức theo lộ trình đối với hàng hóa bị điều tra từ tất cả các nước/vùng lãnh thổ, ngoại trừ những nước/vùng lãnh thổ thuộc danh sách loại trừ.
Sự việc này bắt nguồn từ khi Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) nộp đơn xin áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với dầu ăn nhập khẩu. Việc khởi xướng nhận được ủng hộ của các doanh nghiệp khác như Công ty CP Dầu thực vật Tường An, Công ty Dầu Thực vật Cái Lân, Công ty Dầu ăn Golden Hope - Nhà Bè, Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình.
Trong đơn kiến nghị của mình, Vocarimex cho rằng các mặt hàng dầu thực vật có mã như trên xuất xứ từ Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan... đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới công nghiệp sản xuất dầu thực vật trong nước, người lao động mất việc làm…
Qua khảo sát cho thấy hiện giá bán sản phẩm dầu ăn nhập khẩu rất rẻ, cụ thể dầu ăn Sailing Boat loại 1 lít gồm dầu đậu nành, dầu cọ và dầu cải, đóng chai tại Malaysia có giá 43.000-45.000 đồng; dầu Omely của Indonesia có giá 38.000 đồng/chai 1 lít; dầu đậu nành Cook của Thái Lan 48.000 đồng/chai 1 lít. Trong khi đó, giá nhập vào thị trường Việt Nam trung bình chỉ 13.000 đồng/lít, dầu cọ tinh luyện giá 12.700 đồng/lít, nhóm hàng dầu cọ tinh luyện giá 17.200 đồng/lít.