Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác đấu giá quyền sử dụng đất và kết quả giao đất dịch vụ trên địa bàn do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 1/8. Một trong những nguyên nhân chủ quan được Sở TN&MT Hà Nội đưa ra là, một số địa phương chưa quyết liệt trong việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các điểm đã hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, gây tồn đọng nguồn vốn đã đầu tư.
Nhiều dự án vắng hơn chùa Bà Đanh
Theo Sở TN&MT Hà Nội, về khách quan, do tình hình thị trường bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng, giá giao dịch sụt giảm, nhiều dự án đã tổ chức bán hồ sơ nhưng không có người tham gia theo quy định. Một số quận, huyện đã thông báo mời đấu giá nhưng chưa thực hiện được do không đủ số lượng người tham gia đấu giá, trong đó Mỹ Đức có 4 phiên, Sóc Sơn 1 phiên. Đặc biệt, có 1 phiên đấu giá nhà chuyên dụng do Sở Xây dựng tổ chức.
Bên cạnh đó, tình trạng người trúng đấu giá nợ đọng tiền sử dụng đất còn nhiều. Nhiều dự án phải hủy kết quả trúng đấu giá và tổ chức đấu giá lại, gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý và giảm thu ngân sách Nhà nước như huyện Gia Lâm hay Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất (Sở TN&MT)... Trong khi đó, một trong những nguyên nhân chủ quan là việc xây dựng và phê duyệt giá sàn nhiều khu vực chưa phù hợp với giá thực tế thị trường, gây khó khăn cho đơn vị tổ chức đấu giá (không có người tham gia). Ông Chu Đại Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho rằng, có những vị trí đã làm xong hạ tầng nhưng không thực hiện đấu giá thành công. Còn ông Phạm Khắc Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hà Đông thì cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay trong công tác đấu giá là xác định giá khởi điểm. Trong điều kiện bất động sản trầm lắng như hiện nay, không có nhiều các giao dịch thành công nên quá trình thuê tư vấn thẩm định giá tại khu vực có đất đấu giá gặp nhiều khó khăn, kết quả là kéo dài thời gian đấu giá.
Giá sàn nhiều khu vực chưa phù hợp với giá thị trường nên không có người tham gia đấu giá
“Không thể “nợ” dân mãi”
Trong khi đó, kết quả giao đất dịch vụ cho các hộ dân trên địa bàn cũng rất thấp so với nhu cầu. Tính đến hết tháng 7, toàn thành phố mới giao được cho 10.121/78.820 hộ, đạt 12,84%. Trong số này, có một loạt địa phương như: Mê Linh, Từ Liêm, Ba Vì, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất... chưa giao được đất dịch vụ cho hộ nào.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Hồng Khanh - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, những chỗ khó khăn về đấu giá thì chuyển sang làm đất dịch vụ để cấp cho dân. “Đất dịch vụ là đất “nợ” của dân, không thể cứ “nợ” mãi được. Bởi nếu xử lý không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến ổn định chính trị. Việc đấu giá đất chỉ đạt 34% kế hoạch năm không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan. Trong khi đó, có những địa phương không giao được cho một trường hợp nào về đất dịch vụ là khó chấp nhận”, ông Khanh cho rằng, thực tế có những quận, huyện đã giao đất dịch vụ đến 90% thì không có lý gì những huyện khác kêu khó. Chắc chắn, về chủ quan, những nơi này chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức, chưa kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. “Những nơi đấu giá không thành công, không phù hợp quy hoạch thì chuyển sang vị trí mới ngay. Đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát lại để hết tuần sau có trả lời chính thức về tất cả các vướng mắc mà các quận, huyện đang gặp phải” - ông Khanh yêu cầu.
Cũng theo ông Khanh, với những khó khăn có tính đặc thù, các quận, huyện có báo cáo thành phố để giải quyết trong thẩm quyền hoặc đề nghị phối hợp với cấp có thẩm quyền giải quyết. “Nhưng về nguyên tắc, những khó khăn xuất phát từ việc làm sai quy định của pháp luật thì không thể đáp ứng được. Nhà nước, cán bộ, tổ chức làm sai thì phải xử lý nghiêm. Thành phố sẽ chọn một số điểm phức tạp để thanh tra, kiểm tra” - ông Khanh cho biết.