Trao đổi với PV ngày 6-11, ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam nhận định, xu hướng tăng của giá gas thế giới trong thời gian tới là khá chắc chắn khi vào mùa đông.
Tuy nhiên, mức tăng như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cao hay thấp của các nước vốn sử dụng nhiều như Mỹ, châu Âu. Trong bối cảnh năm nay, do khủng hoảng kinh tế, nhu cầu sẽ không quá lớn. Bên cạnh đó, giá gas hiện đã ở mức cao nên giá trong những tháng tới tăng ở mức vừa phải chứ không đột biến.
Giá gas trong nước những tháng tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho rằng, giá gas có thể tăng nhưng không mạnh, thậm chí có thể giảm. Nguyên nhân bởi giá gas đã tăng liên tục trong 3-4 tháng vừa rồi và các nước có nhu cầu lớn đã chuẩn bị hàng xong.
Tuy nhiên, bà Mẫn cũng nhấn mạnh thêm rằng, không dám khẳng định chắc chắn về xu hướng trên vì giá gas cũng giống như giá xăng dầu nhiều năm nay diễn biến phức tạp, không có quy luật mà bị chi phối bởi nhiều yếu tố, không chỉ là nhu cầu mà còn là tình trạng đầu cơ, các biến cố chính trị.
“Chúng tôi vẫn nói với nhau, ai dự báo đúng được giá xăng dầu, gas thì đã giàu to. Dự báo hiện nay cũng chỉ dừng lại việc dự báo xu hướng thôi”, bà Mẫn chia sẻ.
Đại diện một số công ty khác cũng đồng tình, giá những tháng tới có thể tăng. Tuy nhiên, để có thể nói cụ thể hơn thì cần phải đến nửa tháng 11 khi giá hợp đồng giao tháng 12 (giá CP) do Công ty Dầu khí Công ty Dầu khí Ả rập Saudi (Aramco), nguồn cung lớn nhất của thế giới cập nhật.
“Aramco ngày nào cũng có dự báo giá toàn thế giới, giá ra sao, sản lượng thế nào. Doanh nghiệp coi ở đây thì cũng bám sát được tình hình. Tuy nhiên, khẳng định chắc chắn xu hướng thì không ai dám nói”, ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) nói.
Nói về công tác dự báo giá thế giới hiện nay ở lĩnh vực gas, đại diện nhiều doanh nghiệp đầu mối cho biết, có thực hiện trên cơ sở bám sát tình hình giá cả. Tuy nhiên, thường không dám chắc chắn để đưa ra những quyết định về việc nhập hàng nhiều hay ít.
Nói như một vị phó phòng kinh doanh một doanh nghiệp lớn là không dám đề xuất về số lượng hàng nhập với lãnh đạo công ty vì không thể chắc chắn về giá tháng tới cũng như sợ trách nhiệm nếu dự báo sai.
Bà Mẫn cho biết, doanh nghiệp thường chỉ dám dự báo nhu cầu trong nước để quyết định lượng hàng mua nhiều mua ít nhằm làm sao giảm lượng tồn kho, đỡ thiệt hại.
Trở lại với tình hình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cho biết, do sức tiêu thụ hiện nay đang chậm lại, lượng tồn kho lớn nên họ không dám dự trữ nhiều hàng dù dự báo giá tăng.
Theo ông Thắng, nhu cầu nhập hàng của các doanh nghiệp trong nước hiện không “nóng” như thời điểm này mọi năm vì tồn kho và tiêu thụ chậm. Không tiết lộ mức tồn kho nhưng ông Thắng khẳng định, tình trạng này có ở hầu hết các công ty và ở mức cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không có kho lớn để nhập tăng cường (vì phải mua theo lô lớn) mà hầu hết mua lại của Trung Quốc hoặc Singapore, chấp nhận chênh lệch giá. “Hiệp hội cũng thúc giục các doanh nghiệp xây kho thêm nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, việc đầu tư là không dễ”, ông Thắng nói thêm.
Bà Mẫn cho biết, Saigon Petro cũng không dám dự trữ dài hạn.
Theo ông Thắng, Hiệp hội Gas Việt Nam đang tiếp tục theo dõi tình hình giá thế giới để quyết định thời điểm kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính giảm thuế. Tức, ở thời điểm hiện tại, kiến nghị giảm thuế được nói đến hồi đầu tháng 10 vẫn chưa được gửi đi vì giá gas chưa quá cao và cần chia sẻ với Nhà nước về nguồn thu ngân sách.