- Ông có thể chia sẻ quan điểm riêng xung quanh câu chuyện giảm mạnh giábất động sản tại một số dự án đang được dư luận quan tâm, với nhiều ý kiến trái chiều?
- Vừa qua, sau sự kiện giảm mạnh giá bán tại một vài dự án, đặc biệt là "hiện tượng Đại Thanh" bán nhà chung cư chỉ với giá 10 triệu đồng/ m2, một số chủ đầu tư khác đã phản ứng và khẳng định: "Xây nhà chung cư với giá 10 triệu/m2 là không thể". Tuy nhiên, tôi cho rằng đã có người làm được, có nghĩa là có thể, thậm chí tôi được biết Vinaconex Xuân Mai từng đưa ra một cái giá thấp hơn 10 triệu/m2.
Với nhà ở cho người thu nhập thấp, doanh nghiệp đã không phải nộp tiền sử dụng đất, giá 10 triệu/ m2 lại càng hoàn toàn có thể. Dự án nhà thương mại, nếu trước đây chủ đầu tư mua được đất giá rẻ thì cũng có thể làm được.
Thực tế, Vinaconex Xuân Mai từng đưa ra thông điệp cho người dân Hà Nội rằng: "Thay vì mua nhà chật hẹp trong phố với giá trên trời, hãy mua nhà ở xa trung tâm và mua ôtô sẽ có nhà ở rất xịn mà ôtô cũng rất xịn".
|
GS. Đặng Hùng Võ: "Không ít các dự án hiện nay vẫn tồn đọng nhiều căn hộ nên khi có dự án mới bung hàng ra và lại nói rằng “có giá thấp hơn” thì các nhà đầu tư khác sẽ bực mình là điều dễ hiểu". |
- Nói như vậy để thấy, nếu giá đất rẻ giá thành nhà cũng không phải quá cao, nhưng một số chủ đầu tư cho rằng, với giá cả biến động tăng cao như hiện nay, chuyện xây nhà 10 triệu/m2 là không thể?
- Tôi cho rằng chúng ta có thể tạo ra được nhà có giá 10 triệu/ m2, không phải là không thể. Còn tại sao một số dự án ở khu vực xung quanh lại có giá 14-15 triệu/ m2, là vì đó là sản phẩm nằm trong hàng tồn kho của chủ đầu tư từ trước nhưng hiện vẫn chưa bán được hết.
Với những sản phẩm này, trước đây các nhà đầu tư phải chịu một thứ phí gọi là “phí huy động vốn quá cao”. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam có công nghệ quản lý cũng rất tốn kém. Vật liệu xây dựng chưa chắc họ đã chọn một giải pháp rẻ tiền, công nghệ xây dựng chưa chắc đã tìm ra công nghệ phù hợp.
Trước đây, khi bất động sản đang sốt nóng, giá cao hơn rất nhiều hiện nay không ít chủ đầu tư cũng không quan tâm đến chuyện giảm chi phí này, có thể họ sử dụng những công nghệ quá đắt, chi phí cho quá nhiều khâu không cần thiết và nó được dồn hết vào giá bán và bắt người tiêu dùng phải gánh.
Với một số dự án đã giảm giá tới 50% và chủ đầu tư cho rằng mức giá này đã kịch sàn. Tôi tin nhà đầu tư nói đúng, bởi có thời gian họ không quan tâm đến giá cả, giá xuất xưởng như đã nói trên và chi phí đó cũng đã chiếm 50% tổng giá trị, dẫn đến giá thành tổng sản phẩm cao. Tuy nhiên, hiện nay do thị trường sụt giảm người tiêu dùng lại không chấp nhận, cho rằng giá phải thấp hơn. Đấy là quyền của người tiêu dùng, không cần phải có chuyên gia nào khuyến cáo họ chưa vội mua cả.
Như vậy có nghĩa là đường cung không gặp đường cầu, có thể nguyên nhân từ phía đường cung, có thể nguyên nhân từ phía đường cầu. Tôi không phê phán nguyên nhân từ đâu, nhưng tôi cho rằng nguyên nhân giá cao cũng có phần nữa là do thời kỳ giá cả bị thổi bong bóng, bị "sốt" nên người tiêu dùng cũng có quyền đòi hỏi giá phải xuống nữa. Tôi cũng tin người tiêu dùng cũng có phần đúng, vì theo họ, giá xây dựng bây giờ thấp hơn nhiều so với thời kỳ giá thép, xi măng tăng cao.
- Có nghĩa rằng, theo ông, việc một số chủ đầu tư phản ánh rằng, 10 triệu đồng/m2 là phá giá thì "oan" cho các chủ đầu tư như chủ dự án Đại Thanh?
- Theo tôi, các nhà đầu tư khác phản đối vì họ muốn chứng minh là không thể có giá thấp hơn đâu, trong khi đó thì ông chủ Đại Thanh lại “chơi một bài” rằng có giá thấp hơn.
Thực tế, hiện nay không ít chủ đầu tư vẫn còn "ôm" một lượng bất động sản tồn đọng khá lớn và họ muốn giải thoát đống tồn đọng này, nhưng lại không muốn bán với với giá rẻ hơn mức 14-15 triệu/m2. Vì vậy, khi có dự án mới bung hàng ra và lại nói "có giá thấp hơn" nên các nhà đầu tư khác sẽ bực mình là điều dễ hiểu.
Tôi cũng muốn khuyến cáo rằng, chắc chắn bây giờ đầu tư bất động sản không còn siêu lợi nhuận vì không tốt nó sẽ có khả năng quay trở lại.
- Theo ông giá chung cư 10 triệu/m2 có ảnh hưởng đến chất lượng công trình không?
- Chất lượng lại là chuyện khác, vì chất lượng đã có quy trình thẩm định của Bộ Xây dựng. Việc này đơn giản, vì cứ đem đúng cấp hạng của công trình đó là hạng mấy, chất lượng nó phải đảm bảo như thế nào theo quy định của Bộ.
Khi thẩm định sẽ cho ra kết quả ngay, nên tôi nghĩ chủ đầu tư cũng không dám làm bừa đâu. Tôi tin rằng người ta nói 10 triệu/m2 là phải theo đúng tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia đã phê chuẩn.
- Tại sao hai dự án nhà chung cư gần nhau và đều có cấp như nhau nhưng một bên bán 14 triệu/m2, còn dự án bên cạnh lại bán 10 triệu/m2?
- Bởi vì, chẳng hạn như dự án Đại Thanh là dự án mới, nghĩa là chủ đầu tư đã rút kinh nghiệm. Còn tại sao họ làm được là vì họ tìm cách tốt nhất chi phí huy động vốn. Có thể chủ đầu tư đã chủ yếu huy động vốn của dân nên sẽ lợi hơn so với gọi vốn từ ngân hàng, vì vốn của người dân không có lãi, trong khi lãi từ ngân hàng lại cao.
Hai là, họ có thể rút kinh nghiệm trong khâu quản lý nên nhân lực 100% làm việc tốt hơn, trong khi những doanh nghiệp khác có thể vì lý do nào đó mà năng lực của nhân viên kém nhưng vẫn phải nuôi. Đấy chỉ là một trong những ví dụ về chi phí quản lý quá lớn hoặc có thể doanh nghiệp tìm kiếm được vật liệu rẻ tiền nhưng đảm bảo chất lượng, tìm kiếm công nghệ để chi phí giá thành thấp, đấy là những yếu tố giúp giảm thiểu tất cả chi phí đúng với khẩu hiệu của thị trường là chất lượng cao, giá thành hạ.
- Theo ông, xu hướng giá bất động sản trong thời gian tới sẽ như thế nào?
- Tôi tin xu hướng giảm giá của thị trường vẫn tiếp tục với những dự án mới, họ có thể đưa ra mức giá thấp hơn nữa, còn người tiêu dùng cũng lại chờ đợi mức giá thấp hơn. Trong thời gian tới, tôi cho rằng các nhà đầu tư phải quyết định chứ không ai quyết định thay được. Các nhà đầu tư nên tính toán chịu lỗ và tìm cách giải quyết để chúng ta vào “trận mới” chứ không nên đeo một khối nợ vào tiếp sẽ nặng nề quá.
Theo VnEconomy