Ngày thứ hai trở lại Quốc hội sau khi đã xin phép nghỉ họp cả kỳ để dưỡng bệnh ở nước ngoài, đại biểu Đặng Thành Tâm sáng nay đồng ý trả lời VnExpress.net với những trăn trở về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như công việc làm ăn, sức khỏe của riêng mình.
|
Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc và từng tham gia đầu tư vào một số ngân hàng. Ảnh: Song Linh. |
- Từ góc độ doanh nghiệp, ông đánh giá tình hình kinh tế 9 tháng qua thế nào?
- Về phát triển kinh tế 9 tháng vừa rồi, không phải chỉ cá nhân tôi mà tất cả doanh nghiệp khác đều khá thất vọng. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, lãi suất đã giảm nhiều, nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn, thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm âm và đến hết 9 tháng mới được hơn 2%. Để nền kinh tế vận hành trở lại và doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng cả năm nay phải đạt ít nhất 10% như năm ngoái. Đây thực sự là một thách đố, Nhà nước cũng không thể cho tín dụng tăng nhanh như vậy vì sẽ làm cho lạm phát tăng cao trở lại.
Phải thừa nhận là nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng còn rất yếu kém từ nội tại của mình. Nhưng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế của chúng ta mới phát triển, còn non trẻ, giống như một cơ thể trẻ sẽ phục hồi rất nhanh khi được tiếp sức. Có điều đáng mừng là chính sách kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, tín dụng tăng trưởng dương trở lại, dòng vốn được lưu thông thì sản xuất kinh doanh sẽ sớm phục hồi.
- Nợ xấu đang được cho là một điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, khiến dòng vốn không lưu thông được và doanh nghiệp thiếu vốn làm ăn. Còn ông nghĩ sao?
- Ai cũng nói là cục máu đông, điểm nghẽn đe dọa nền kinh tế, nhưng nếu đúng nợ xấu như vậy và quy mô lên đến 300.000-400.000 tỷ đồng thì nền kinh tế 4-5 năm tới không thể hồi phục.
Tôi không bi quan như vậy. Hơn 50% trong số nợ xấu này phát sinh từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mà nguyên nhân gốc rễ là một thời gian dài dòng vốn bế tắc, lãi suất quá cao doanh nghiệp không có vốn làm ăn, dẫn tới lỗ và dắt dây nợ nần không trả được. Nếu từ giờ trở đi, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết giữ lãi suất ổn định không quá 15%, doanh nghiệp được vay vốn làm ăm thì họ sẽ sản xuất kinh doanh trở lại, chỉ cần lãi ít nhất 1-2% là bắt đầu có thể trả được nợ ngân hàng. Và khi đã trả được, thì không còn là nợ xấu nữa.
Tất nhiên, tôi nói như vậy là chỉ nhìn từ góc độ những người sản xuất kinh doanh. Nợ xấu của chúng ta còn đến từ dịch vụ, tài chính và ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước có cái nhìn tổng thể hơn, và hơn ai hết họ biết thực tế nợ xấu hiện nay thế nào, cần giải pháp gì.
- Tình hình nợ tại các doanh nghiệp của ông hiện nay ra sao?
- Tính cả tập đoàn của tôi và của chị tôi (bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo), chúng tôi đang nợ tất cả ngân hàng chưa tới 500 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ của chúng tôi khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn điều lệ chưa đầy 1 lần, trong khi tỷ lệ của đa số các doanh nghiệp trên sàn là hơn 2 lần. Như vậy nếu xét về cấu trúc, nợ của chúng tôi an toàn hơn.
- Vậy khả năng trả số nợ 500 triệu USD này thế nào?
- Chúng tôi là doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp, chủ yếu thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Tính ra chúng tôi thu hút FDI chiếm hơn 10% của cả nước. Tổng dư nợ của nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 150 tỷ USD, nếu 100 đơn vị nợ như chúng tôi thì cũng chỉ 50 tỷ USD, bằng một phần ba tổng nợ vay của nền kinh tế. Nhưng 100 đơn vị như chúng tôi thu hút gấp 10 lần vốn đầu tư nước ngoài hiện nay. Xuất khẩu ở các khu công nghiệp chúng tôi là 5-7 tỷ USD, gần 10% tổng xuất khẩu cả nước. Cứ 100 đơn vị như chúng tôi đã làm ra 5 lần xuất khẩu cả nước, lại còn tạo công ăn việc làm. Nói như vậy để thấy hiệu quả sử dụng 500 triệu USD vốn vay ngân hàng của chúng tôi thế nào.
- Với tình hình hiện nay, định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh của tập đoàn ông năm 2013 thế nào?
- Mở rộng hay không phải nhìn vào kế hoạch của nhà nước. Kế hoạch nhà nước xây dựng tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%, đi kèm với đó là một loạt chỉ tiêu khác theo hướng thắt chặt hơn, trong đó có dòng tiền, tăng trưởng tín dụng, lạm phát. Và với chỉ tiêu như vậy, doanh nghiệp cần tự hiểu rằng năm 2013 tiếp tục khó khăn, cần liệu cơm gắp mắm, nếu không co cụm sản xuất thì thôi chứ mở rộng lúc này chỉ có chết. Về phần mình, trước mắt chúng tôi không mở rộng khu công nghiệp mà gia tăng tối đa các quỹ hiện tại, làm sao để thu hút doanh nghiệp nhiều hơn, thậm chí cho thuê giá rẻ hơn. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm sau như vậy quá thấp. Chỉ cần dòng vốn được khơi thông, sản xuất trở lại thì kinh tế Việt Nam năm sau ít nhất phải tăng 6%.
- Thế còn hoạt động đầu tư tài chính, ông có kế hoạch gì với các kênh nhạy cảm như ngân hàng?
- Ở Việt Nam ai nghe tới ngân hàng cũng thích lắm, mình cũng thế thôi, cứ thấy người ta ăn khoai thì mình vác mai đi đào. Có một thời kỳ người ta đổ xô mua cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán và cứ nhắm mắt mua là lãi. Đến giờ thì không ai dám tham gia nữa, cả nền kinh tế hôm nay gánh hậu họa vì đã mù quáng lao như vậy, tôi cũng thế thôi. Giờ thì đương nhiên chúng tôi phải tính lại, không phải bỏ chạy mà là một bài toán thực tế, biết rõ thế mạnh của mình ở đâu để tập trung sức lực, còn lĩnh vực không biết thì tốt nhất sống chết thế nào cũng phải giải phóng, không thể đeo đuổi mãi. Đến nay, tôi và các cổ đông khác cùng tham gia với tôi không còn nắm giữ một xu cổ phiếu Ngân hàng Phương Tây. Với các ngân hàng khác, chúng tôi phải điều tiết lại, đắt hay rẻ cũng phải thoái vốn để tập trung cho sản xuất kinh doanh chính của mình. Bài học chúng tôi tự rút ra cho mình là lĩnh vực gì mình hay nhất thì nên tập trung cho nó, dù nó có lời nhiều lời ít nhưng bao giờ cũng chắc ăn, vì mình kiểm soát được, mình biết được. Còn những lĩnh vực khác không hiểu thì không nên ham. Chẳng hạn đầu tư tài chính, mình không hiểu nên rót vốn xong cứ phải ngồi chết khô chờ ông khác. Để mình phải phụ thuộc người khác như vậy thì chẳng còn cái dại nào bằng.
- Vậy ông nhìn nhận đầu tư vào ngân hàng là một sự thất bại?
- Chả ai muốn nói mình là thất bại, nhưng nói không thành công cũng chỉ là lịch sự thôi. Không riêng gì ngân hàng, mà hoạt động đầu tư tài chính nói chung của chúng tôi hoàn toàn không thành công, thậm chí lỗ nặng. Nói thật, nếu không vướng ngân hàng thì chúng tôi không khổ thế này. Khu công nghiệp dù khó khăn chúng tôi vẫn thu tiền đều đều, dù ít vẫn có lãi, vẫn ung dung hơn nhiều. Tự dưng sa đà vào cái đó, giờ thì thất bại, phải tự rút kinh nghiệm thôi.
- Thực sự tình hình hoạt động tại các doanh nghiệp của ông hiện nay thế nào?
- Có một điều chúng tôi thấy tự hào, đó là suốt một năm qua không ngân hàng nào cho chúng tôi vay tiền, nhưng chúng tôi vẫn sống. Tất nhiên, nếu cứ tiếp tục thế này thì chưa biết nay mai sống chết thế nào. Nhưng chúng tôi tự nhìn vào thực lực của mình, nội bộ tự động viên nhau tiết kiệm cùng vượt qua khó khăn.
- Ông từng tự hào vì là một doanh nhân biết kiểm soát được thời gian, điều tiết được cuộc sống và công việc trước các áp lực trong kinh doanh. Vậy tại sao thời gian vừa rồi ông lại đến mức đổ bệnh không thể đi họp Quốc hội được?
- Kinh tế khó khăn, ngân hàng không cho vay, rồi lại còn nhiều áp lực khác, không bệnh sao được. Người ta có thể kiểm soát được ý chí, tự bảo mình quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, nhưng không ai có thể kiểm soát được sức khỏe của mình nhất là khi chịu nhiều áp lực như thế. Tôi không phải cố tỏ ra mình khỏe mạnh, không có vấn đề gì. Ốm thì xin nghỉ, đến khi có thể bò về được thì cố mà bò về để đi họp. Râu tóc tôi dài ra, bạc đi, thì có gì đáng xấu hổ, vì bác sĩ yêu cầu phải để như thế để họ theo dõi bệnh tình của tôi. Sợ nhất là bị chết, chứ trông xấu tí có gì đáng lo.
- Lúc này, nếu cho ông một điều ước, thì ông ước gì?
- Tôi chỉ ước được trở về ngày xưa. Không phải mình tôi đâu, những anh khác nằm trong danh sách giàu nhất nhì sàn chứng khoán cũng ước mơ như vậy đấy. Ngày xưa làm ít, nợ ít, không canh cánh nỗi lo nợ nần. Ước như thế chả khác nào bảo mình trở về với máng lợn sứt mẻ, nhưng máng đó là của mình còn tốt hơn sống trong lâu đài xa hoa nhưng không phải của mình, lại canh cánh nỗi lo. Nói vậy thôi, chứ tôi cho rằng nền kinh tế hiện nay không đến nỗi tồi tệ. Các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu tự tin hơn. Nếu chính sách vĩ mô vẫn duy trì tốt như hiện nay thì sản xuất sẽ nhanh chóng phục hồi và tôi tin không quá ba tháng là có thể xóa được hết nợ xấu trong lĩnh vực này. Quan trọng nhất là chính sách vĩ mô phải ổn định.
Song Linh