Chao đảo cốm Vòng
Mỗi khi mùa thu đến, gió heo may lướt nhẹ trên các nẻo phố phường, cũng là khi người Hà Nội được thưởng thức mùi thơm dịu dàng của hương cốm mới. Những hạt cốm mịn, xanh óng, được nâng niu trên những lá sen còn gợn phấn chính là thức quà của riêng Hà Nội dành tặng những khách phương xa may mắn có dịp ghé thăm đất kinh kỳ vào độ lá vàng rơi.
Cốm Vòng đang chật vật để giữ thương hiệu.
Để có được món bảo vật tinh túy đó, người làng Vòng xưa - giờ là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy ngày nay - đã phải rất kỳ công chế biến từ hạt lúa non có hương vị và tố chất rất riêng trên những cánh đồng nhà.
Thế nhưng với tốc độ đô thị hóa từng ngày, giờ đây người làng Vòng đã không còn đất trồng lúa để có thể làm ra món quà nguyên bản từng được coi là trân bảo của Hà Nội xưa.
Ông Nguyễn Quang Hồng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu - chia sẻ trong nuối tiếc: “Ngày nay, làng Vòng không còn đất nông nghiệp để trồng lúa. Tất cả các quỹ đất đều đã nằm trong quy hoạch của thành phố để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh”.
Cũng theo ông Hồng thì hiện tại người dân làng Vòng phải đi mua lúa non ở các tỉnh, thành khác và mua lại sản phẩm sơ chế của làng cốm Mễ Trì để “thổi hồn” thành món quà trứ danh từng làm say đắm bao thực khách khắp mọi miền đất nước. Ngay cả các dụng cụ làm cốm thủ công ngày xưa giờ cũng đã được cơ giới hóa triệt để.
Mới đây, vào đúng mùa cốm mới, tinh hoa Kẻ Chợ lại nhận thêm một đòn trí mạng khi các cơ quan chức năng phát hiện ra 2 cơ sở sản xuất cốm làng Vòng sử dụng chất nhuộm màu cực độc malachite green với hàm lượng rất cao. Dù đây chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng để lấy lại được niềm tin yêu của thực khách đối với cốm Vòng chắc hẳn không phải là điều đơn giản.
Kiệt cùng húng Láng
Theo con đường Chùa Láng trải nhựa rộng thênh thang, tìm mỏi mắt tôi mới thấy một thửa ruộng nhỏ xinh nằm khiêm tốn trong con ngõ nhỏ 157. Thấy tôi lọ mọ xắn quần mò xuống tận những luống rau, người phụ nữ tuổi trạc ngũ tuần đang thoăn thoắt hái và bó những mớ mùng tơi xanh mơn mởn vui vẻ bắt chuyện. Thì ra người phụ nữ tên Tất này tưởng tôi là một khách quen vẫn đến mua húng Láng của bà mỗi dịp cuối năm để chuẩn bị cho những bữa cơm tất niên đậm đà hương vị.
Qua câu chuyện với bà, tôi mới biết loài rau đặc sản húng Láng lừng danh trong ca dao đất kinh kỳ vẫn còn được một số hộ dân làng Láng trồng tại vườn nhà để cung cấp cho những thực khách sành ăn và nghiện mùi thơm đặc trưng của húng. Vì số lượng trồng rất ít ỏi nên mỗi mớ húng Láng nhỏ xíu có từ 10 đến 15 cây rau được bán với giá 2.500 đến 3.000 đồng. Và cũng chỉ những khách quen mới biết vào tận nhà những người trồng rau đất Láng để có được ít cọng gia vị đặc biệt này cho các món ăn ngày Tết.
Theo ông Trương Xuân Thành - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ Láng Thượng - thì tất cả đất nông nghiệp tại địa phương ông đều đã được xây dựng hoặc đã quy hoạch để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm.
Mảnh ruộng hơn 1 sào mà tôi trông thấy ở ngõ 157 đã được quy hoạch và chuẩn bị khởi công xây dựng nhà trẻ của quận Đống Đa. Còn 1 mảnh nữa rộng hơn nằm cạnh nhà bia liệt sĩ phường Láng Thượng trên phố Chùa Láng thì cũng nằm trong dự án cây xanh của thành phố. Sau khi 2 mảnh ruộng này biến mất thì làng Láng của Hà Nội xưa chính thức không còn một mét đất nào dành cho nông nghiệp.
Cũng theo ông Thành, những nhà đã xây cao tầng, nếu thèm hương vị thơm dịu của húng thì chỉ còn cách xúc đất Láng đổ lên sân thượng mà trồng. Vì húng Láng chỉ mọc được trên những cánh đồng làng Láng nên chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, thứ rau đặc sản kinh kỳ này sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Và làng Láng với câu ca dao “Ở đây thơm húng, thơm hành/Có về làng Láng với anh thì về” cũng chỉ còn trong tiềm thức của những người Hà Nội hôm nay.