Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM (QLTT), nói: “Cuối năm, nhu cầu của người tiêu dùng về hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm tăng rất cao. Đây cũng chính là dịp mà hàng kém chất lượng, hàng lậu hay hàng cấm len lỏi thị trường”.
Cận tết, hàng giả càng nhiều
Thưa ông, QLTT đã phát hiện và xử lý những vụ vi phạm gần đây như thế nào?
Lực lượng QLTT đã kiểm tra và phát hiện hơn 1.000 chai rượu ngoại của hơn 10 nhãn hiệu như XO, Chivas… có trị giá trên 500 triệu đồng nhưng không có hóa đơn chứng từ, nên đã tiêu hủy số hàng này.
Ngày 9-1, tại cơ sở sản xuất mứt hạt sen ở quận 6, chúng tôi đã phát hiện khoảng bốn tấn mứt trái cây nhập lậu từ Trung Quốc hiện đang niêm phong tại kho hàng. Trước đó, hơn một tấn mứt như chà là, trần bì, khoai lang, táo đỏ kém chất lượng cũng có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị tịch thu. Với những sản phẩm này, chúng tôi cũng sẽ mang đi tiêu hủy.
Ngoài thực phẩm khô thì thực phẩm đông lạnh cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp tết. Gần đây lực lượng QLTT đã kiểm tra phát hiện trên 1,5 tấn đầu, mông, ức gà đông lạnh đã hết hạn sử dụng. QLTT đã chuyển sang Chi cục Thú y TP để xử lý vụ này.
Gas cũng là một trong những mặt hàng “nóng” bị làm giả. Ngày 8-1, gần 100 bình gas giả các thương hiệu Gia Định gas, Pacific gas… đã bị tịch thu.
Nếu mứt kém chất lượng như vậy tuồn ra thị trường, người tiêu dùng lãnh đủ.
Làm hàng giả và… giám sát luôn QLTT (!)
Trong quá trình trinh sát kiểm tra, những thủ đoạn tinh vi của người kinh doanh hàng lậu, hàng giả thường là gì?
Họ chọn những nơi hẻo lánh xa xôi, sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó hoặc lấy hàng hóa từ Trung Quốc về bỏ vào bao bì hàng Việt để bán như sản phẩm Việt Nam. Hoặc trước khi chúng tôi xuất quân thì có ngay lực lượng của họ bám theo để báo cho đồng bọn. Cũng có trường hợp khi kiểm tra một điểm nào đó thì các điểm khác bị “bứt dây động rừng”, đóng cửa để QLTT khó phát hiện.
Hiện nay việc xử lý các vụ vi phạm đa số là phạt hành chính. Trong năm 2011, QLTT có chuyển sang các cơ quan chức năng hơn 10 vụ để xử lý hình sự nhưng quá trình điều tra cho thấy không đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm. Điều 12 Nghị định 107/2008 quy định: Hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên và hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng. Thực tế những người sản xuất, kinh doanh hàng giả mà hàng hóa có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên rất tinh vi, đối phó với cơ quan chức năng bằng việc xé lẻ hàng ra, mở mạng lưới vệ tinh ở các cơ sở sản xuất nhỏ. Tuy vậy, vừa rồi QLTT đã chuyển một vụ vi phạm về gas để cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự.
Xin cảm ơn ông.
Ngày 9-1, tại một kho hàng của QLTT, ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, đã cho chúng tôi xem những lô hàng mứt kém chất lượng, nhập lậu vừa được phát hiện. Tại đây có một tấn mứt kém chất lượng đang chờ tiêu hủy và bốn tấn mứt không chứng từ đang chờ xử lý vi phạm. Những thùng mứt táo đỏ vẫn còn giữ màu đỏ riêng, mứt kiwi vẫn xanh tươi thật đẹp mắt, chà là cũng vẫn đen nâu dẻo dẻo. Tuy nhiên, một mùi hôi bốc ra từ các loại mứt này gây cảm giác rất khó chịu. Các bịch mứt chà là được đựng trong các bịch nylon nhàu nát, bên ngoài in chữ Trung Quốc đỏ đậm. Nếu lượng mứt này lọt qua cơ quan QLTT, qua công nghệ phù phép bằng hóa chất rồi được tuồn ra thị trường thì người tiêu dùng lãnh đủ tác hại. |
Theo Tú Uyên (Pháp luật TP.HCM)