Giò không thể rẻ hơn thịt
Giá thịt thăn hiện nay dao động từ 115-125.000 đồng/kg. Theo các hộ sản xuất giò, khoảng 1,2-1,3kg thịt nạc thăn mới “đúc” ra được 1kg giò nạc, cộng thêm phụ gia, mắm muối, công sản xuất, lá gói, chi phí nấu chín, mỗi cân giò không thể có giá thành thấp hơn 130.000 đồng/kg. Giá này cũng tăng giảm tùy theo giá thành thực phẩm đầu vào.
Hiện, giá bán giò trung bình khoảng 150-170.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại một số chợ như Nghĩa Tân, chợ Bưởi, chợ Việt Hưng (Hà Nội) một số hàng giò bán lẻ vẫn chào bán giò nạc giá 100.000-110.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thu Hương – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (Hà Nội) cho biết: Hiện các cơ sở sản xuất giò chả lớn đã chuyển sang sử dụng phụ gia thực phẩm (PGTP) nhập khẩu từ Nhật Bản, đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Với phụ gia này, cần phải dùng thịt nạc nguyên chất, ngon, tươi, sờ dẻo tay mới cho ra các sản phẩm giò chả ngon. Nếu dùng thịt không tươi sản phẩm sẽ hỏng. Vì thế, tuy chi phí cho PGTP chỉ mất 1.000-2.000 đồng/kg giò nhưng giá giò lụa chắc chắn vẫn phải cao hơn giá thịt.
Theo bà Hương, đối với các sản phẩm giò chả giá rẻ bất ngờ, người tiêu dùng cần đặt dấu hỏi nghi ngại. Đó có thể là những sản phẩm sử dụng hàn the, thịt bạc nhạc, thậm chí thịt ôi để hạ giá thành sản phẩm. Bởi hàn the không chỉ tăng độ giòn dai cho giò mà còn có khả năng “tân trang” cho cả lợn bệnh, lợn chết, lợn ôi thiu.
Nên mua giò chả rõ nguồn gốc và lựa chọn theo cảm quan.
Cần thay đổi thói quen
TS Lâm Đức Hùng – Trưởng phòng Quản lý ngộ độc, Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho biết, hàn the được sử dụng trong công nghiệp, có khả năng tạo độ giòn dai và bảo quản khỏi nấm mốc. Từ cuối thế kỷ XIX, hàn the đã được thế giới cảnh báo cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm do độc tính của nó đối với sức khỏe.
“Giò ngon, đảm bảo ATVSTP là giò có màu hồng nhạt, ăn phải giòn, thơm mùi thịt, miếng giò cắt ra phải có những lỗ nhỏ. Không nên mua sản phẩm trôi nổi hoặc giá quá rẻ”.
Bà Thu Hương
|
“Khi ăn phải sản phẩm có hàn the, người dân sẽ bị ngộ độc mãn tính. Mức độ ngộ độc tùy theo lượng hàn the hấp thụ vào người. Người bị ngộ độc có biểu hiện mất cảm giác, ăn không thấy ngon, giảm cân, nôn, tiêu chảy, suy thận, da xanh xao, suy nhược không thể phục hồi” – TS Hùng cho biết.
Theo TS Hùng, báo cáo mới nhất của Cục ATVSTP vẫn cho thấy khoảng 8-10% giò chả và một số loại sản phẩm khác (bánh giò, bún, bánh phở, mì tươi, bánh su sê) khi được kiểm tra vẫn dương tính với hàn the. Các sản phẩm này chủ yếu ở nông thôn, các hộ sản xuất tư nhân nhỏ lẻ. Ông Hùng cũng cho biết, con số thực tế có thể lớn hơn do thói quen sản xuất cũ kỹ của người dân.
Ông Đào Minh Thiện – Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Việt – Úc cho biết: Việc chế biến thực phẩm khi dùng PGTP thay thế có khác so với hàn the nhưng không khó. Khi cho hàn the người sản xuất không cần cho nước. Nhưng dùng PGTP thì phải pha vào nước mới cho vào thịt. Đồng thời, trong quá trình xay thịt, để hạn chế việc sản sinh nhiệt lượng từ việc xay và phụ gia, cần sử dụng thịt ướp lạnh, và đó phải là thịt tươi ngon.
“Như vậy, giò chả sử dụng PGTP thay thế hàn the đem lại cho người tiêu dùng 2 cái lợi: Vừa không có chất bảo quản độc hại, vừa là thành phẩm của thịt tươi, đảm bảo ATVSTP. Còn người sản xuất cho rằng dùng PGTP đắt hay khó sử dụng chỉ là cách bao biện để che đậy việc làm ăn gian dối và mất vệ sinh của mình thôi” – ông Thiện khẳng định.