Tặng chảo rán khi mua... xúc xích
Để thực hiện bài viết này, tôi có mặt tại khu đồ khô chợ Đồng Xuân (Hà Nội), một trong những nguồn cung các loại xúc xích lớn của Thủ đô và các tỉnh thành phía Bắc. Từ các loại xúc xích của nhà máy có thương hiệu, đến các loại xúc xích được làm từ các xưởng chế biến tư nhân trong khu vực Hà Nội, Hưng Yên. Mặc dù tự giới thiệu nhu cầu, tìm nguồn hàng về mở cửa hàng xúc xích nướng nhưng chủ ki-ốt số 84I vẫn e dè khi giới thiệu: "Nếu là nhà hàng, khách sạn họ thường lấy hàng của Đức Việt, ông già Ika... nhưng các hàng vỉa hè chỉ nên lấy hàng của CP hay của Hàn Quốc sản xuất và đóng gói tại Việt Nam". Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm mặt hàng giá thành "mềm" để đi bán rong, chủ ki-ốt này chính thức tiếp thị một loại xúc xích của một số xưởng sản xuất tư nhân và không quên quảng cáo thêm: "Khi ăn, không thua gì các loại có thương hiệu, thậm chí mùi, vị còn hấp dẫn hơn".
Quan sát mẫu hàng này, tôi thấy, xúc xích được đóng gói không theo quy cách thông thường (10 - 12 chiếc/túi), được đựng trong bịch lớn, chỉ 2.000 đồng/cái. Màu sắc xúc xích nhợt nhạt, có nhiều chỗ bị nứt để lộ lớp thịt bên trong, có màu đã ngả vàng, thậm chí đã chảy nước. Chủ ki-ốt tên Phương nhanh nhảu "chữa cháy", đổ cho "lỗi vận chuyển" để người mua yên tâm. Bà chủ Phương bật mí thêm một vài chiêu "độc" cho người mua để phù phép xúc xích hỏng thành mới, là đem về và đóng gói lại vào bao bì sản phẩm có uy tín, dán kín miệng lại, thành xúc xích thương hiệu ngay. Nhờ kỹ nghệ "treo đầu dê, bán thịt chó" này, khi bán, chủ hàng cứ "điềm nhiên" thu lãi gấp đôi, thậm chí gấp ba lần giá trị thực tế.
Cầm một túi xúc xích có nguồn gốc từ công ty tư nhân, tôi trả tiền và bóc ra ngay trước mặt chủ cửa hàng tên Phương. Chị này bảo: "Nói thật với em là loại xúc xích "hạng 2" này thường được các hàng bán rong ở vỉa hè mua về để rán phục vụ học sinh, khách vãng lai, vì giá thành rẻ và tiện dụng". Khi tỏ ra thân thiết, chị Phương bảo tôi: "Nghe nhiều đại lý đổ hàng về chợ thì, khi sản xuất xúc xích, họ đã cho thêm chất sodium nitrite, vốn được dùng trong thịt đã chế biến như món thịt nguội và xúc xích để giữ màu, hương vị. Nếu không làm thế, xúc xích rất dễ hỏng và không để được quá một tuần".
Nhiều chủ cửa hàng cho hay, hiện nay có nhiều xưởng sản xuất tư nhân cung cấp mặt hàng xúc xích, vì thế, họ cũng có nhiều chiêu cạnh tranh để giữ mối ở chợ Đồng Xuân như các chiêu khuyến mãi: Giảm giá; tặng chảo rán khi mua xúc xích, hay giao hàng đến tận nơi. Vậy là ma trận xúc xích nhiễm hóa chất làm người lần đầu đi "hỏi hàng" như tôi hoa mắt, chóng mặt, không biết chọn loại nào.
Xúc xích nhiễm hóa chất của xưởng C.P.
Phụ gia trong xúc xích là chất gây ung thư ?
Theo địa chỉ ghi trên túi xúc xích "hạng hai", tôi có mặt ở ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên, Hà Nội. Xưởng sản xuất nằm cuối ngõ nhỏ và được biệt lập với nhiều nhà dân, chỉ người quen biết mới được ra vào. Thấy tôi giới thiệu vào xưởng tìm mối hàng để lấy xúc xích với số lượng lớn, một người sống cạnh xưởng C.P. cho biết: "Họ ít khi tiếp khách lạ lắm, vì xưởng đã có một đội ngũ gồm ba người chuyên đi quảng cáo xúc xích ở các chợ, đại lý, cửa hàngồ. Bọn chị là hàng xóm, cũng biết trong quá trình sản xuất xúc xích, họ cho nhiều chất phụ gia lắm để giữ màu, giữ tươi cho sản phẩm. Vậy mà, loại này bán rất chạy, vì giá rẻ và xưởng rất biết "chiều khách"".
Vừa dứt lời thì tôi gặp một chủ cửa hàng tên là Tuấn bán xúc xích gần trường THCS Việt Nam - Angieri, Thanh Xuân, Hà Nội, đến lấy hàng. Anh này cho biết: "Tôi tranh thủ lúc chưa đông khách nên lấy hàng về. Dù đã vào hè, nhưng nơi tôi bán hàng gần một nhà văn hóa và một bể bơi thiếu nhi nên lượng khách không đổi. Mỗi ngày, tôi bán từ 150 - 200 chiếc xúc xích và một số đồ uống khác nên việc lựa chọn lấy xúc xích ở đấy là rất hợp lý".
Xưởng sản xuất của công ty C.P. nằm sâu trong căn nhà có cửa sắt biệt lập của ngõ Khâm Thiên, khi chúng tôi muốn ngỏ ý vào thăm xưởng thì chủ xưởng cho biết: "Trong đấy công nhân đang xay, trộn thịt nên không vào được. Có gì chị cứ nói để xem xưởng có đáp ứng được nhu cầu không". Biết tôi đi lấy hàng về bán ngoài vỉa hè, anh Lộc - chủ xưởng C.P. cho hay: "Nếu lấy về bán như thế thì nên lấy loại hàng "tầm tầm", lúc rán lên, xúc xích trông cũng rất ngon và bóng như hàng loại 1. Chị lấy từ 200 cái trở lên sẽ được giảm 10% để gia đình giữ mối hàng"...
Xưởng C.P. nằm biệt lập trong ngõ sâu.
Kín đáo quan sát về phía xưởng đang gia công xúc xích, chúng tôi thấy có nhiều công nhân đang hối hả. Anh Tuấn bảo với tôi: "Trong các thành phần của xúc xích chỉ có khoảng 10% thịt tự nhiên, 30% là mỡ động vật, da và thịt gia cầm. Phần còn lại là nhũ của chất đạm và chất béo, các chất ổn định đạm như dầu thực vật và nước. Xưởng này còn cho thêm chất sodium nitrite. Ngoài chức năng bảo quản, sodium nitrite còn giúp ngăn ngừa chứng ngộ độc thịt. Tuy nhiên, trong quá trình tiêu hóa, chất này sẽ hình thành chất gây ung thư nitrosamine ở ruột của chúng ta. Ngay cả bọn trẻ nhà tôi, tôi cũng cấm không cho ăn xúc xích bán ở vỉa hè, trường học. Không chỉ ở đây mà nhiều nơi khác cũng làm vậy nên muốn mua hàng không có hóa chất sodium nitrite, tìm không ra...".
Khi đã tỏ ra "cùng hội cùng thuyền", tôi hỏi: "Cho nhiều hóa chất, phụ gia vào xúc xích, anh không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng à?". Anh Tuấn hồn nhiên: "Biết thì vẫn biết đấy cô ạ, nhưng nếu không dùng phụ gia, sodium nitrite thì xúc xích rất nhanh hỏng và không có lời”. Chỉ vào túi xúc xích do xưởng sản xuất mà tôi bóc ra ở chợ Đồng Xuân, anh Tuấn "bồi" thêm: "Nếu không cho chất bảo quản thì sản phẩm hỏng lâu rồi, nhớt và nứt nẻ nên xưởng "buộc" phải cho phụ gia vào để lúc vận chuyển, bảo quản được... tốt hơn". Vậy vì sao những túi xúc xích kém chất lượng ấy vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường mà không vấp phải sự quản lý nào từ các cơ quan chức năng? Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin mới tiếp theo.