Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Fernandes thừa nhận rằng AirAsia “vẫn chưa hiểu được điều gì đã xảy ra” khi chiếc máy bay chở theo 162 người đột nhiên mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu lúc 6:18 sáng ngày 28/12. Kể từ đó, họ không nhận được bất cứ tín hiệu radio, tín hiệu từ bộ phát đáp của máy bay, và những nỗ lực tìm kiếm đầu tiên trên biển cũng chưa có kết quả nào.
Một quan chức Indonesia xác định vị trí nơi QZ8501 mất liên lạc
QZ8501 mất liên lạc trên biển Java khi đang trên đường từ Indonesia tới Singapore. Đây là một chiếc máy bay Airbus A320, một loại “ngựa ô” của các chặng bay ngắn nhờ vào thiết kế chắc chắn, linh hoạt và rất dễ vận hành.
Tuy nhiên, khu vực mà chiếc máy bay này hoạt động có thời tiết vô cùng phức tạp và thường xuyên thay đổi. Vào thời điểm này trong năm, dải khí hậu hội tụ nhiệt đới (ITCZ) dịch chuyển từ phía bắc tới phía nam và tràn thẳng xuống biển Java.
Dải hội tụ nhiệt đới này gây ra tình trạng bất ổn về khí quyển cùng những cơn bão lớn thường xuyên xảy ra trong khu vực nơi chuyến bay QZ8501 mất liên lạc. Điều này khiến nhiều người đi đến nhận định rằng chiếc máy bay này đã gặp nạn trong điều kiện thời tiết xấu và đâm xuống biển.
Nhưng nhiều người lại đặt câu hỏi, vì sao biển Java là một vùng biển nông, nơi có tàu bè qua lại nhộn nhịp, thế nhưng lực lượng cứu nạn Indonesia đã quần thảo suốt ngày Chủ nhật nhưng vẫn không tìm ra được tung tích chiếc máy bay.
Trực thăng, tàu chiến Indonesia được huy động tham gia chiến dịch tìm kiếm
Theo tờ Telegraph của Anh, có một số cách giải thích cho thực tế này. Thứ nhất, khu vực nơi chiếc máy bay mất tích là một vùng biển khá rộng với rất nhiều hòn đảo ở hai bên tuyến đường bay.
Thứ hai, thiết bị phát tín hiệu điện tử ELT được thiết kế để bắt đầu phát tín hiệu về vị trí của máy bay sau khi nó đâm xuống biển, nhưng nó sẽ không tự động hoạt động nếu như máy bay rơi xuống một hòn đảo nào đó.
Và thứ ba, các hệ thống radar quân sự và dân sự trong khu vực không thể nào phát hiện được dấu vết của một chiếc máy bay sau khi nó đã đâm xuống biển hoặc đất liền.
Do vậy, lực lượng tìm kiếm cứu nạn chỉ có thể dựa vào tín hiệu phát ra từ hộp đen của máy bay, tuy nhiên phạm vi phát tín hiệu của hộp đen rất ngắn, chỉ khoảng 8,8 km và nó cũng chỉ phát được tín hiệu trong vòng 30 ngày. Lực lượng cứu hộ cứu nạn phải cực kỳ may mắn và được trang bị đúng thiết bị thì mới có thể bắt được những tín hiệu này.
Một nhân viên cứu hộ dùng ống nhòm tìm kiếm dấu vết chiếc máy bay
Việc nhà chức trách Indonesia trì hoãn việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp và phát động chiến dịch tìm kiếm cứu nạn ngay sau khi máy bay mất liên lạc cũng có lý do của nó.
Việc phi hành đoàn mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu không phải là chuyện hiếm do nhiễu tần số hoặc do phi công lơ đãng. Bởi vậy, nhà chức trách Indonesia phải thận trọng xác minh mọi thông tin, loại trừ các trường hợp khác mới có thể khẳng định máy bay đã mất tích và phát động chiến dịch tìm kiếm.
Trong ngày tìm kiếm thứ 2, Indonesia đã huy động 4 máy bay quân sự cùng với tàu cứu nạn và tàu của ngư dân quần thảo trên một khu vực rộng lớn để tìm kiếm dấu vết chiếc máy bay ở phía đông đảo Belitung. Trực thăng và máy bay quân sự Hercules của Singapore cũng tham gia vào chiến dịch này, trong khi một tàu đổ bộ và tàu ngầm cũng đang sẵn sàng để hỗ trợ khi có yêu cầu.
Bộ Quốc phòng Úc đã điều một máy bay tuần tra biển AP-3C Orion trang bị các cảm biến quang điện tử và hồng ngoại tới tham gia chiến dịch tìm kiếm vào sáng ngày 29/12.