Xôi ngon trước hết nhờ gạo nếp dùng nấu xôi. Phải chọn loại gạo nếp ngon như nếp Bắc, ngâm với nước lạnh và một ít muối khoảng 4-5 tiếng. Muốn hạt xôi nở đều, dậy mùi thơm nên vo nếp thật kỹ và để ráo nước trước khi đổ vào xửng hấp. Đừng quên xới nếp thật đều tay trong lúc nấu. Đây là công đoạn quan trọng nhất để có hạt xôi tơi mềm và dẻo thơm.
Xôi chín dậy lên mùi thơm thoang thoảng, để tăng thêm phần hấp dẫn cho món xôi mặn, phi một ít mỡ hành cùng với xì dầu, rưới đều mặt xôi, tạo một lớp mỡ bóng đẹp trên bề mặt.
Không đơn điệu như xôi ngọt, xôi mặn có rất nhiều lựa chọn cho món ăn kèm. Với những món xôi mặn tự làm tại nhà, phổ biến nhất là xôi ăn với chả lụa, lạp xưởng. Chả lụa thì không cần chế biến, chỉ cắt hạt lựu hoặc cắt sợi mỏng. Lạp xưởng cũng đơn giản, không cần chiên trực tiếp trên chảo dầu nóng mà chỉ luộc với một ít nước xâm xấp. Đun sôi cho đến khi nước bốc hơi hết, để lửa liu riu đến khi lạp xưởng tiết ra mỡ và dùng đũa trở đều tay. Khi thấy lạp xưởng săn lại và hơi cháy sém thì vớt ra, cắt thành từng miếng mỏng vừa ăn.
Nếu muốn ngon hơn, có thể cho thêm chà bông và trứng cút. Xới xôi ra đĩa, rải chà bông lên, tiếp theo là chả lụa, lạp xưởng, trứng cút và rắc thêm chút hành phi. Cắn ngập một miếng xôi trong miệng, vị thơm dẻo của hạt nếp, miếng lạp xưởng béo ngậy, miếng chả lụa dai dai, trứng cút bùi bùi cứ thế hòa trộn vào nhau, kích thích cảm giác thèm ăn.
Nhiều người không thích kiểu thập cẩm này mà chỉ ăn kèm với một món mặn, có khi là gà rô ti để nguyên đùi hoặc xé nhỏ, hoặc tôm khô chấy, rắc thêm hành phi. Cầu kỳ hơn, có thể dùng kèm với phá lấu. Để không mất thời gian cho buổi sáng, bạn nên làm phá lấu từ tối hôm trước.
Khi làm phá lấu, nên ngâm rửa thật kỹ phần nguyên liệu. Trụng nước sôi, ngâm nước phèn chua và cạo sạch hết lớp trắng bám trên lưỡi; lỗ tai heo cũng ngâm với phèn chua và rửa sạch. Còn bao tử phải lộn bề trái, rang nóng trên chảo với nước muối và ngâm rửa sạch.
Sau khi sơ chế, ướp các nguyên liệu với ngũ vị hương, hạt nêm, tiêu, hành tím băm, nước tương, để thấm rồi xào cho săn lại. Chế nước dừa vào, nấu đến khi cạn nước, phá lẩu chuyển sang màu vàng nâu, dậy mùi thơm. Khi ăn kèm với xôi, hạt xôi nóng dẻo thấm nước xốt phá lấu có vị ngọt thanh của nước dừa và thoang thoảng mùi thơm của ngũ vị hương, thêm phần lưỡi, bao tử, lỗ tai giòn sừn sựt, ăn rất hấp dẫn.
Theo PNO