Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM vừa tiếp nhận một bệnh nhi 29 tháng tuổi, tạm trú tại Bình Dương, được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng tím môi, tím tay chân, toàn thân mệt mỏi. Trước đó, bệnh nhi bị sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Gia đình cho bé đến khám tại phòng mạch tư nhân ở gần nhà và được bác sĩ cho uống thuốc amoxicillin, acemol, vitamin C nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
|
Bệnh nhi 29 tháng tuổi phải nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 do ăn nhiều cà rốt. Ảnh: BC.
|
Đến ngày thứ 3, gia đình thấy bé có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa con đến nhập viện địa phương, sơ cứu thở ôxy sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Lúc này, bé đã trở nên lừ đừ, thở mệt, môi tím, đầu chi tím, nhịp tim nhanh. Qua thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm, chụp X quang tim phổi, siêu âm... cho thấy bệnh nhi bị methemoglobin máu. Ngay lập tức cháu được cho thở ôxy và dùng thuốc giải độc xanh methylen tiêm mạch liều 1mg/kg. Sau 30 phút tiêm xanh methylen, bé đã bớt tím môi, tay chân và hồng hào trở lại sau 1 giờ.
“Khi chúng tôi khai thác kỹ bệnh sử mới biết người nhà thường nấu canh súp có cà rốt cho trẻ ăn và trẻ cũng thích ăn cà rốt sống. Sau nhiều ngày sử dụng, trẻ bị methemoglobin máu do nồng độ chất nitrate có nhiều trong cà rốt. Hiện trẻ đã được xuất viện và được dặn dò chu đáo về cách sử dụng một số loại thức ăn cũng như thuốc có thể gây methemoglobin cho trẻ”, BS Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.
Cũng theo BS Minh Tiến, methemoglobine là sản phẩm của hemoglobine bị ôxy hóa, trong đó Fe++ hóa trị 2 trong hemoglobine được chuyển thành Fe+++ hóa trị 3. Hemoglobine có khả năng chuyên chở ôxy đến mô cơ thể nên làm da niêm có màu hồng trong khi methemoglobine không có khả năng vận chuyển ôxy nên làm da niêm tím tái. Bình thường, trong hồng cầu vẫn hình thành methemoglobine (<1%) nhưng không tồn tại lâu, vì cơ thể có hệ thống men khử methemoglobine thành hemoglobine bình thường. Tuy nhiên, có một số tác nhân ôxy hóa mạnh như hóa chất (Chlorates, Aniline - phẩm nhuộm, Trinitrotoluene - thuốc nổ), thuốc (Nitroglycerine, Sulfonamide, Primaquine, Chloroquine, Lidocain, Prilocain - EMLA, Benzocain - gây tê tại chỗ, Nitrate bạc - bôi bỏng) hay một số loại thức ăn có hàm lượng nitrate cao gây biến đổi hemoglobine thành methemoglobine quá khả năng bù trừ của hệ thống men khử đưa đến tăng methemoglobine máu, dẫn đến bệnh nhân bị tím tái.
Ăn bao nhiêu thì vừa?
Khi dùng cà rốt, bạn nên chọn những củ còn non, màu đỏ da cam tươi, rửa sạch, cạo vỏ chứ không gọt vỏ sâu vì các vitamin và muối khoáng tập trung nhiều ở lớp vỏ ngoài của cà rốt.
|
Theo các nhà dinh dưỡng, cà rốt là một loại củ có nhiều chất đường, vitamin và muối khoáng, đặc biệt là vitamin C và caroten là chất tiền vitamin A, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A rất tốt cho cơ thể. Trong 100g cà rốt có 88g nước, 8g đường, 1.5g protid, 1.2g xenluloza, 43mg canxi, 39mg photpho, 0.8mg sắt, 0.06mg vitamin B1, 0.06mg vitamin B2, 0.4mg vitamin PP, 0.8mg vitamin C và từ 1 đến 9mg–caroten…
Ngoài giá trị dinh dưỡng, cà rốt còn là một vị thuốc tốt chữa được nhiều bệnh. Chất sắt và vitamin A trong cà rốt có tác dụng phòng và chữa thiếu máu, tăng cường khả năng sinh trưởng đối với trẻ em. Đặc biệt tốt với những trường hợp tiêu chảy nhẹ làm mất các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, khiến nhu động ruột trở lại bình thường.
Đối với phụ nữ, cà rốt còn có tác dụng làm da hồng hào và mịn. Những người đua ôtô và lái xe vận tải cũng được khuyên nên ăn cà rốt trước khi lái, nhất là những chuyến đi đêm. Hay các nhà nghiên cứu phải làm việc khuya dưới ánh nắng điện cũng rất cần ăn cà rốt, vì vitamin A có tác dụng trên võng mạc mắt và giúp tăng thị lực.
Tuy cà rốt là một loại thức ăn ngon, bổ nhưng bạn không nên ăn nhiều vì nếu bạn ăn cà rốt nhiều và thường xuyên, cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten. Chất này sẽ ứ đọng lại trong cơ thể gây vàng mắt, vàng da, chán ăn (nhiều người dễ nhầm tưởng là bị bệnh gan), chỉ cần ngừng ăn cà rốt thì các biểu hiện trên sẽ hết. Bạn chỉ nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần/tuần. Người lớn ăn khoảng 100g cà rốt/lần, trẻ em ăn khoảng từ 30–50g cà rốt/lần.
Cũng theo BS Minh Tiến, ngoài cà rốt, những tác nhân ôxy hóa mạnh thường gặp cũng gây methemoglobine máu như: Nước giếng, củ dền, nước cải bẹ xanh, bắp cải, củ cải đường... Những thức ăn này có hàm lượng nitrate cao, khi ăn nhiều sẽ dẫn đến tăng methemoglobine máu (không có khả năng chuyên chở ôxy cho mô), làm cho bệnh nhân bị tím tái, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.
(Theo Giadinh.net)