Ở Việt Nam, thi hết năm, thi cuối cấp, thi vào đại học hoặc trường nghề, kéo dài từ tháng 6 đến cuối tháng 7 dương lịch (trong đó quan trọng nhất là thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thi vào đại học hoặc trường nghề). Học sinh phải ôn thi, luyện thi nhiều giờ trong ngày là một đợt lao động quá sức của các em, lại thêm thời tiết nóng nực của mùa hè ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Là dược sĩ nhiều năm nghiên cứu về an toàn hợp lý trong ăn uống và dùng thuốc, lại có hơn 10 năm trực tiếp bán thuốc và tư vấn dùng thuốc ở nhà thuốc tư nhân; tôi đã từng tư vấn hàng trăm lần về mục “Thuốc gì giúp sĩ tử mùa thi?” nay tặng bạn đọc để tham khảo.
Lời khuyên đầu tiên của tôi cho các sĩ tử và gia đình là: Ăn, uống đủ; Ngủ đủ giấc (cần có 20-30 phút ngủ trưa để ổn định tinh thần và phục hồi sức khỏe); Nghỉ ngơi thoải mái (buổi tối chỉ học đến 22 giờ, sau đó đi bộ 15 phút rồi đánh răng, súc miệng; uống một cốc nước sôi nguội rồi đi ngủ).
Các loại quả chín chứa nhiều vitamin rất tốt cho các sĩ tử.
Các thứ nên và không nên dùng hàng ngày
Các thứ nên tránh: chất kích thích như: nước tăng lực, coca cola, thuốc lá, cà phê đặc, bia rượu, bánh kẹo, nước ngọt có gas, vitamin C sủi, nhân sâm và các chế phẩm của nhân sâm.
Các loại quả nên ăn hàng ngày: dưa hấu (ăn cả phần trắng và phần đỏ) mỗi lần ăn 100-150g; cam (ăn cả múi, không vắt nước) mỗi lần ăn 60-100g; chuối chín (hoặc đu đủ chín): 100-150g. Các loại quả này vừa có tác dụng cung cấp nước, các loại vitamin, muối khoáng, các acid amin, các chất chống ôxy hóa; chuối lại có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh rất hiệu quả. Nhiều người có tâm lý sợ ăn chuối, vì dân gian có câu “trượt vỏ chuối”. 3 loại quả này ăn vào 2 bữa: lúc 10 giờ và 14 giờ. Dưa hấu ăn sau cùng rồi uống nước sôi nguội và súc miệng (người ra nhiều mồ hôi nên chấm với vài hạt muối để ăn).
Trước khi vào phòng thi (hoặc vào lớp ôn tập): Buổi sáng hoặc chiều, nên uống 1 cốc (50-100ml) nước chè Thái Nguyên (3-5g chè/100ml, pha nước sôi còn 800C trong 5 phút, rồi lấy nước để uống vì có nhiều cafein và nhai 1 lát gừng tươi mỏng (1-2g) giúp tập trung tư tưởng làm bài tốt (không uống nước chè đặc).
Khi vào phòng thi (hoặc ôn tập): Nên mang theo 1 chai nước sôi nguội 500ml để cứ 15 phút lại uống nước 1 lần, giúp máu lưu thông và thần kinh hoạt động tốt.
Mỗi ngày cần đảm bảo lượng nước cung cấp cho cơ thể từ 2.000-2.500ml. Trước khi ngủ tối và sau khi thức dậy buổi sáng nên uống 200ml nước sôi để nguội, giúp cho máu lưu thông tốt.
Các loại thuốc nên dùng
Vitamin A, D3 viên (A: 2000UI+D3:200UI) ngày uống 1 lần sau ăn sáng (1 hoặc 2 viên) giúp cơ thể tăng sức đề kháng, hoạt động thị lực được tốt. Chẳng hạn như viên nang mềm đa sinh tố vigentamin có 10 sinh tố: A, D3, B1, B2, B6, PP, B12, B9, C.
Vitamin C viên 100mg ngày uống 2 lần x1-2 viên, giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch, tổng hợp lipid, protein cho cơ thể. Kích hoạt các men, thúc đẩy các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Chống các chất ôxy hóa, bảo vệ các vitamin A, E, các aid béo không no, các ADN. Giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu. Tăng tỷ lệ hấp thu canxi vào cơ thể. Chống rối loạn tâm lý, trấn tĩnh hệ thần kinh trung ương. Giúp cho mắt và não hoạt động được chính xác (nhất là vitamin C thiên nhiên trong các loại quả chín như dưa hấu, chanh, cam, chuối, đu đủ...).
Vitamin nhóm B (B1 viên 10mg; B2 viên 2mg, B6 viên 25mg, B9 viên 400mcg) ngày uống 2 lần: mỗi lần uống: B1 và B2 mỗi thứ 2 viên. B6 và B9 mỗi thứ 1 viên. Tác dụng làm tăng hoạt hóa các synap thần kinh, giảm homocystein chất cản trở quá trình ghi nhớ. Chuyển hóa các chất lipid, protein, carbohydrat ra năng lượng cung cấp cho các tế bào hoạt động (vitamin nhóm B có nhiều trong các loại quả nói trên).
Thuốc chống kích thích thần kinh quá mức: magie B6, mỗi ngày chỉ nên uống 1 lần x 1 viên khi cần (với trường hợp lo lắng quá mức).
Thuốc tăng cường tuần hoàn não: vinpocetine viên 5mg mỗi ngày uống 1 lần x 1 viên (tránh dùng cho người huyết áp thấp). Thuốc có tác dụng tốt với: não, thần kinh, mắt, tai.
Piracetam (thuốc hưng trí) muốn dùng thuốc này cần có tư vấn và đơn của bác sĩ. Thuốc có tác dụng vào vùng não ghi nhớ, học tập, nhận thức. Nếu lạm dụng có thể bị rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, trướng bụng, tiêu chảy.
DS. Trần Xuân Thuyết