Theo thống kê của chúng tôi, hầu hết chị em đã từng vượt qua một lần sinh nở đều cho biết khi lên bàn đẻ họ đều rặn đẻ theo cảm tính. Có nhiều người tuy đã được học lý thuyết về cách rặn đẻ nhưng khi lên bài đẻ lại quên khuấy hết vì đau quá. Có những chị em lại chẳng cần học hành gì mà chỉ làm theo những hướng dẫn của bác sĩ những cũng sinh nở dễ dàng. Vậy rặn đẻ có thực sự khó khăn?
Rất nhiều chị em chia sẻ, họ rặn đẻ theo cảm tính. (ảnh minh họa)
Hãy nghe các mẹ đã từng có kinh nghiệm trong vấn đề này chia sẻ về cách rặn đẻ nhé!
Một thành viên trên diễn đàn phụ nữ chia sẻ: “Khi rặn đẻ, các mẹ hãy bình tĩnh, tập trung nghe theo lời dặn của bác sĩ, bác sĩ bảo gì thì làm nấy, đau quá cũng cố đừng la khóc vì càng la khóc các mẹ sẽ mất sức lắm. Mình nhớ khi cổ tử cung mở được 10 phân và bác sĩ rạch xong thì bác bảo khi nào muốn rặn thì hít sâu và rặn thật mạnh y như rặn đi vệ sinh ấy. Chú ý tay nắm chặt vào ghế nằm để lấy sức. Khi mình rặn xong hơi đầu tiên thì đầu bé ra. Bác sĩ kêu thôi thì hít thở liền để lấy sức. Sau đó bác sĩ sẽ hô tiếp tục, mình lấy hơi và rặn tiếp, ráng rặn thật mạnh, thật nhanh thì con mau ra mà mình cũng khỏe. Lúc rặn thì thật tập trung, dùng hết sức bình sinh các mẹ nhé. Rặn 3 hơi thật mạnh là con mình ra rồi, chắc chỉ khoảng 2 phút quá, mình cũng không ngờ luôn. Vậy là mình kết thúc ca sinh nở, cũng đau nhưng nhìn thấy con yêu thì tự nhiên mọi đau đớn tan biến hết”.
Mẹ Thanh Uyên thì chia sẻ: “Nói chung là lúc đau đẻ ít người nhớ lý thuyết để làm cho chuẩn lắm, các mẹ cứ nhớ thế này là được nhé: Khi rặn đẻ các mẹ hãy nhớ hít sâu bằng mũi, miệng ngậm kín, rặn mạnh (như kiểu rặn lúc bị táo bón). Chị em cũng cần chú ý tư thế: cằm tì xuống ngực, chân mở rộng và tay tỳ vào đùi làm điểm tựa. Lúc nào thở, lúc nào rặn, lúc nào ngưng càn tuyệt đối làm theo chỉ dẫn của bác sỹ. Quan trọng nhất là phải bình tĩnh nhé, cứ nghĩ thế này: đau đẻ ai cũng trải qua, và ai cũng làm được, và có lý do gì để mình không làm được đâu”.
Hầu hết các mẹ đều khuyên chị em phải bình tĩnh khi rặn đẻ. (ảnh minh họa)
Mẹ Xù kết luận sau khi sinh bé là: “Theo mình, không phải chúng ta rặn đẻ sai quy cách mà là không có hơi sức để rặn, chứ lúc rặn có người đứng gần hướng dẫn tỉ mỉ hít vào thở ra khi nào. Các mẹ lưu ý cứ nhìn vào màn hình của máy monitor – đây là máy đo cơn gò tử cung. Cứ nhìn vào nhịp của cơn gò trên máy mà rặn thôi. Khi cái sóng nó bắt đầu đi lên mình cũng bắt đầu rặn, ráng làm sao rặn thật mạnh tới khi sóng âm nó lên tới đỉnh, và thở ra khi nó bắt đầu đi xuống, rồi lại lấy hơi rặn tiếp. Cố gắng bình tĩnh, lấy hơi thật mạnh theo sóng cơn gò này là đẻ thành công thôi mà các mẹ. Nhưng các mẹ cần nhớ là phải hít hơi thật sâu đấy, hơi mà cụt là coi như phí luôn cơn rặn đó.”
Hướng dẫn từ chuyên gia
Theo TS. BS Huỳnh Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc - BV Từ Dũ: “Thai phụ cần biết cách thở và biết cách rặn có hiệu quả, không rặn sớm quá hay rặn không đúng sẽ làm cho cuộc chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con như: bé bị ngạt trong bụng mẹ, mẹ bị mệt, tổn thương phức tạp đường sinh dục, chuyển dạ kéo dài gây băng huyết sau sinh…”.
Đồng thời bác sĩ cũng hướng dẫn chị em cách thở và rặn đẻ như sau:
Cách thở:
Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn gò tử cung, sản phụ sẽ chú ý, tập trung vào hơi thở:
- Khi bắt đầu cảm nhận đau, nghĩa là khi bắt đầu thì co, có cơn co xuất hiện thai phụ nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn, tần suất nhịp thở tăng dần ở thì kéo dài. Cảm nhận đau càng nhiều thì thở càng nhanh hơn. Ở thì thở ra làm sao tạo được tiếng rít gần như tiếng rít, tiếng huýt sáo nhỏ. Đến khi cảm nhận bớt đau thì thở chậm lại và thở sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần.
Khi rặn đẻ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. (ảnh minh họa)
- Ở thì nghĩ giữa các cơn co tử cung, thai phụ nên thở sâu và nhẹ nhàng bình thường để lấy lại năng lượng đã bị mất đi khi thở nhanh, nông ở thì co và tích trữ năng lượng cho lần thở của cơn đau kế tiếp… . Nên thư giãn tòan thân là tốt nhất.
Khi bác sĩ cho phép đươc rặn, thai phụ nên tập rặn đúng cách thì mới có hiệu quả đẩy thai ra khỏi bụng mẹ và ống sinh dục được. Rặn không hiệu quả, giai đọan xổ thai kéo dài sẽ làm mất sức người mẹ và em bé có thể bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra.
Cách rặn:
- Khi cảm nhận được cơn co tử cung: bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau: Thai phụ nên hít vào một hơi thở thất sâu. Sau đó nín thở, miệng ngậm chặt, hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, hai chân đạp mạnh vào hai ống treo cổ chân của bàn sinh, dồn hơi rặn mạnh để đẩy hơi xuống vùng bụng dưới giúp tống xuất thai nhi ra ngoài. Khi cảm thấy sắp hết hơi nhưng vẫn còn đau có thể hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục cho đến khi hết cảm thấy đau bụng nữa. Chú ý là trong khi rặn, thai phụ phải giữ sao cho lưng thẳng, áp sát vào bề mặt bàn sinh và phần mông phải cong lên phía trước. Đặt biệt là phải giữ để khi rặn thì miệng không được phát ra bất cứ âm thanh nào.
- Giữa 2 cơn co tử cung, hết đau thì thở sâu điều hòa, dưỡng sức để tập trung vào đợt rặn kế tiếp.