Lần đầu làm mẹ, bạn sẽ nghe cả tá lời khuyên, kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy bé từ hai bên nội, ngoại của bé, người thân, bạn bè... Và chắc chắn, bạn sẽ có lúc quay cuồng tự hỏi 'Không biết lời khuyên đó có đúng, có nên áp dụng hay không?'
Xin lược dịch một số ý kiến của bác sĩ Andrew Adesman, trưởng khoa Phát triển và hành vi của trẻ, Bệnh viện nhi Schneider, New York, kiêm giáo sư Khoa nhi tại Trường Cao đẳng Y dược Albert Einstein, để đính chính một số quan niệm chăm bé thiếu chính xác hiện vẫn được nhiều bà mẹ tin tưởng, dưới đây.
1. Bé vẫn dị ứng sữa mẹ?
Quan niệm: Một số bé sơ sinh dị ứng với sữa mẹ.
Sự thật: Không có bất kỳ bé sơ sinh nào có nguy cơ dị ứng sữa mẹ. Trường hợp phát hiện thấy bé có biểu hiện bất thường như: tiêu chảy, nổi mẩn ngứa, đầy hơi, da bị khô… sau khi bú mẹ là do cơ thể bé đang phản ứng lại một số đồ ăn mẹ đã nạp khi cho bé bú.
2. Bé bú mẹ cần uống thêm nước?
Quan niệm: Các bé bú mẹ uống càng nhiều nước càng tốt cho sức khỏe.
Sự thật: Chỉ bú mẹ, bé cũng đã đủ nước. Cho bé uống bổ sung nước chỉ khiến bé no và bú kém đi. Trừ trường hợp bé nhà bạn được bác sĩ khuyên nên uống một số loại nước nhất định, còn bình thường, không cần cho bé bú mẹ uống thêm nước cho tới khi bé được 4-6 tháng tuổi và bắt đầu tập ăn dặm.
Với các bé bú bình, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định bổ sung nước cho bé.
Bé bú mẹ không cần bổ sung thêm nước cho tới khi bé được 4-6 tháng tuổi (Ảnh minh họa).
3. Mẹ sẽ không có thai trong thời kỳ cho con bú?
Quan niệm: Bầu bí là điều không tưởng khi đang cho con bú
Sự thật: Cho con bú không phải là biện pháp tránh thai tuyệt đối. Nhiều chị em cho con bú đã dễ dàng mang thai trở lại do chủ quan, không sử dụng các biện pháp tránh thai cần thiết. Nhiều cặp vợ chồng vỡ kế hoạch chỉ vì không thấy kinh và quan hệ không bảo vệ. Việc cho con bú và thụ thai là 2 vấn đề không có chút liên quan nào tới nhau. Do đó, thật nực cười khi có suy nghĩ cho con bú giúp tránh thai.
4. Sữa ít béo không tốt cho bé?
Quan niệm: Trẻ dưới 1 tuổi không nên uống sữa ít béo?
Sự thật: Các bậc phụ huynh có thể yên tâm bổ sung sữa ít béo vào khẩu phần của các bé từ 2 tuổi. Đặc biệt, trẻ bị béo phì nên uống sữa ít béo hoặc sữa gầy thay vì sữa nguyên kem. Nếu gia đình có tiền sử bệnh tim hay vấn đề về cholesterol thì cha mẹ càng phải lưu tâm, thường xuyên nhờ bác sĩ tư vấn việc chọn sữa cho con.
Lưu ý: Bé dưới 1 tuổi không nên uống sữa bò vì dễ dị ứng.
5. Dị ứng thực phẩm là bệnh di truyền?
Quan niệm: Nếu cha mẹ bị dị ứng thực phẩm thì con sinh ra cũng mắc bệnh.
Sự thật: Với dị ứng thực phẩm, tiền sử mắc bệnh của cha mẹ hoàn toàn không ảnh hưởng đến bé. Ngược lại, việc cha mẹ không bị dị ứng không có nghĩa là trẻ cũng an toàn khi ăn thực phẩm đó.
6. Ăn nhiều đường khiến bé hiếu động thái quá?
Quan niệm: Đường là nguyên nhân gây bệnh hiếu động thái quá ở trẻ.
Sự thật: Đây là suy nghĩ ‘ngớ ngẩn’ vô cùng. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh đường không phải là ‘thủ phạm’ khiến trẻ hiếu động thái quá. Các chuyên gia chăm sóc trẻ em chỉ khuyên: trẻ không nên ăn quá nhiều đường hay đồ ngọt vì dễ sâu răng, biếng ăn… chưa ai khuyên hạn chế cho trẻ ăn đường để ngừa ‘bệnh’ hiếu động thái quá.