Khuynh hướng tăng trưởng xương hàm và khuôn mặt bắt đầu thể hiện, cũng như những thói quen từ thời thơ ấu như bú bình kéo dài, mút ngón tay… làm thay đổi hình thái xương hàm và ảnh hưởng đến sự mọc răng cũng dẫn đến những lệch lạc có thể trông thấy. Cha mẹ bắt đầu nhận ra, hình như con mình không giống những đứa trẻ khác, trông có vẻ hô hoặc móm, răng hơi bị chìa ra…
Theo hiệp hội chỉnh nha Hoa Kỳ (ADA), khi trẻ bảy tuổi là thời điểm thích hợp để đưa trẻ đến khám lần đầu tiên với bác sĩ chỉnh nha. Việc thăm khám lâm sàng, cùng những khảo sát phim X-quang toàn cảnh, phim sọ mặt, sẽ giúp bác sĩ dự báo khuynh hướng tăng trưởng, cũng như theo dõi việc mọc răng cho trẻ. Giai đoạn này, những sai lệch (nếu có) sẽ được bác sĩ can thiệp kịp thời bằng các khí cụ, để điều chỉnh giúp răng mọc đúng vị trí. Trẻ em ở độ tuổi này cũng đã có đầy đủ nhận biết để hiểu sự giải thích của bác sĩ, và biết vâng lời bố mẹ trong hợp tác điều trị.
Một số trường hợp sai khớp cắn điển hình ở trẻ nên được điều trị sớm: thói quen đẩy lưỡi có thể dẫn đến tình trạng khớp cắn hở (răng cửa trên và răng cửa dưới không tiếp xúc nhau theo chiều đứng); tình trạng cắn ngược: răng cửa dưới phủ ngoài răng cửa hàm trên; biểu hiện ngoài mặt: trẻ bị móm, kém phát triển hàm trên; trẻ bị hô do thói quen mút tay, dẫn đến tình trạng cắn chìa và cắn phủ quá mức.
Khi hai hàm cắn lại, thông thường răng cửa trên phủ bên ngoài răng cửa dưới theo chiều trên dưới khoảng 1-2mm. Nếu độ phủ này nhiều hơn 3mm, gọi là tình trạng cắn sâu. Ở một số trường hợp cắn sâu trầm trọng, có thể thấy răng cửa dưới cắn vào nướu của hàm trên.
Nếu răng cửa có tiếp xúc bình thường, răng cửa trên thường ở trước răng cửa dưới từ 2-3mm. Khoảng cách này gọi là độ cắn chìa. Nếu khoảng cách này lớn hơn 3mm là độ cắn chìa quá mức, biểu hiện thấy bên ngoài là hô.
Những trường hợp mà sự sai lệch khớp cắn xảy ra do sự bất hài hòa về xương hàm, bác sĩ chỉnh nha có thể giúp trẻ chỉnh xương bằng các khí cụ ngoài mặt. Ví dụ: face-mask sẽ giúp kéo xương hàm trên ra phía trước trong trường hợp trẻ bị kém phát triển hàm trên.
Những sai lệch do thói quen xấu gây ra, bác sĩ có thể giúp trẻ ngăn chặn sự sai lệch tiến triển bằng các khí cụ phù hợp. Ví dụ: khí cụ chặn lưỡi hay tấm chặn môi.
Việc quyết định thời điểm phù hợp để điều trị cho trẻ phụ thuộc vào tình trạng sai khớp cắn và mong muốn của phụ huynh được trao đổi khi tư vấn với bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên về việc nên bắt đầu niềng răng cho con mình ở lứa tuổi nào, và dùng những khí cụ ra sao. Nếu trẻ hợp tác tốt, việc điều trị sẽ được tiến hành dễ dàng và thuận lợi.
BS Đỗ Quỳnh Như