Chia sẻ chuyện gia đình là nhu cầu có thật của người già. Con cái phải thông cảm. Ảnh: P.Q
Từ công việc
Tranh thủ chủ nhật được nghỉ làm, chị Thanh Châu chở mẹ về nhà cậu ở quận 12 dự đám giỗ của bà ngoại. Chị Châu đang lu bu dọn chén, đũa bỗng có một bà lạ hoắc lạ huơ đến sa sả vào mặt: “Công việc sao rồi? Phải ráng làm cho tốt nghe hôn. Con gái gì mà cứ nghỉ việc, qua chỗ này chỗ nọ hoài. Ráng làm cho ổn định để má bây yên tâm…” Chị Châu lúng túng chưa biết ất giáp ra sao thì mẹ chị đi tới giới thiệu: “Đây là dì Tư, chị vợ của cậu con mới ở Đồng Tháp lên chơi”. Thì ra, mẹ chị đã nhanh miệng giới thiệu lý lịch trích ngang của con gái cho bà chị vợ của cậu mà chị chưa hề gặp mặt!
Anh Trung Trí ở quận 5 vừa được tuyển vào làm nhân viên văn phòng ở một công ty viễn thông lớn. Cha mẹ anh tự hào khoe với những người quen: “Con tui sắp lên làm giám đốc chi nhánh. Chỗ đó khó vô lắm, 1.000 người nộp đơn chỉ tuyển mình nó”. Những lời khoe tưởng chừng như vô thưởng vô phạt của mẹ khiến anh Trí nhiều phen đau đầu. Người thì gửi gắm con cháu vô chỗ làm, người biết rành công ty thì mỉm cười ý nhị.
Nhớ lại thời gian thất nghiệp nằm nhà cả năm, anh Trí càng khổ sở hơn vì… cha mẹ. Có hai bằng đại học, cay đắng gặm nhấm nỗi buồn thất nghiệp, anh Trí lại nghe nhói mỗi khi gặp người quen, có khi là người chưa gặp lần nào tấu điệp khúc: “Sao con không đi làm? Kinh tế khó khăn phải ráng xin việc. Ỷ có bằng cấp rồi kén chọn hả con?”
Cho đến chuyện chồng con
Nhưng có lẽ, những cô gái quá lứa mới là nạn nhân bi đát nhất của các câu chuyện bên ấm trà của cha mẹ già. Bà Thuý ở quận 11 có năm người con. Trong khi ba người con trai đều đã lập gia đình, riêng hai cô con gái người 40 tuổi, kẻ 38 tuổi mà vẫn phòng không chiếc bóng. Vậy là, hễ gặp mấy bà bạn già, bà Thuý lại nói: “Tụi nó cũng xinh xắn như ai vậy mà bị ế. Mấy bà thấy đám nào được thì giới thiệu giùm tui”.
Rồi khi gặp hai con gái bà lại than thân trách phận: “Người ta nói nhà này vô phước nên có hai đứa con gái không có chồng”.
Chị Lan, con bà Thuý bức bối: “Gặp ai mẹ cũng kêu giới thiệu làm như con muốn chồng lắm. Đâu phải cứ lấy chồng là có hạnh phúc. Không có chồng thì cũng chẳng sao”.
Tương tự, mỗi lần thấy mẹ tiếp khách là chị Thu Trinh ở quận 10 đâm… khó chịu. Vì mỗi lần như vậy là y như rằng mẹ chị đang tám chuyện của chị. Có lần, đi làm về vừa lúc nhà có khách, mẹ chị bèn giới thiệu: “Đây là con gái út của tui. Nó mới ly dị chồng, coi vậy chứ nó nhiều bồ lắm!” Lần khác, chị Trinh lại nghe mẹ nói với hàng xóm: “Con Trinh làm cô giáo mầm non không có cơ hội quen bạn trai. Đi làm về là nó lại lên mạng tìm bạn. Đó, cái thằng hôm qua ghé nhà chơi là bạn trên mạng của nó đó”. Chị Trinh dở khóc dở cười vì những câu giới thiệu vô tư của mẹ.
Chị Ngọc Hạnh ở quận 8 vốn là người kín tiếng, sống nội tâm. Chị lấy chồng đã lâu nhưng vẫn chưa có con. Bởi vợ chồng chị có nỗi khổ riêng khó chia sẻ cùng ai. Gia đình khá giả, không phải đi làm nên chị thường về thăm mẹ ruột ở quận 11. Mỗi lần về chị lại nghe mẹ nói chuyện với hàng xóm: “Năm nay con Hạnh 40 tuổi rồi mà vẫn rảnh rang đi mua sắm là tại vì nó không có con. Bằng tuổi nó đã có con đàn cháu đống. Không biết sao nó không chịu đẻ”. Những lúc như vậy chị Hạnh ứa nước mắt, không muốn về nhà mẹ ruột nữa.
Sau một trận giận hờn suýt cãi nhau với mẹ, chị Lan nghĩ lại: “Bị mẹ đem chuyện riêng ra nói cũng bực mình lắm. Nhưng nghĩ lại thấy đây cũng là nỗi lo của mẹ. Ngoài bạn bè thì bà cũng đâu biết nói với ai”.
Những chuyện tám của người già dường như không bao giờ ra ngoài chuyện con cái. Lúc tuổi già xế bóng con cái là tài sản, nói chuyện con cái với bạn bè, người quen cũng là cái cách của người già quan tâm, chia sẻ nỗi lo của con. “Chung quy cũng bởi có những đứa con cho rằng cha mẹ già rồi không cùng suy nghĩ, có chia sẻ cũng không giúp ích được gì nên mới ra cớ sự. Không trò chuyện được cùng con thì cha mẹ phải đi tâm sự với người khác”, anh Trí chia sẻ.